Ngoại đã gần chín mươi. Đêm nằm, ngoại hằng mơ ú ớ rồi bảo chắc sắp đi theo ông. Ngoại hay nhìn khắc khoải ra ngoài trời mỗi lần mưa gió, lại lầm rầm đất trời độ này khó sống hơn xưa.
Mỗi khi trở trời, ngoại rên đau lưng, nhức xương, khó ngủ. Người già cứ như một cỗ máy đã gần hết hạn, thân thể rệu rã, đụng đâu đau đó mà thương.
Nhà cậu có hai chị gái đều lấy vợ, hai anh con trai đi làm suốt ngày. Cậu mợ cũng đi suốt. Làm bạn với ngoại là tám con mèo và năm con cún. Ai vào nhà cũng hốt hoảng, cơm nuôi vật chắc tốn hơn cơm nuôi người. Ai xin, ngoại hỏi kỹ càng, cứ sợ họ đem đi bán hay làm thịt nên ngoại để nuôi, rồi suốt ngày ngoại ngoại con con với chúng.
Ngoại răng yếu nên không ăn trầu, chỉ thèm thuốc, thứ thuốc bằng loại lá dài, phơi khô, mùi hăng hắc. Mấy bận về ở lại, chị em mình kiên quyết không cho ngoại hút vì nghe tiếng ngoại ho sù sụ. Ngoại hóa bần thần, chân tay lóng ngóng mà thương, không hút thuốc đâm buồn miệng nên thế. Vậy là, chẳng còn cách nào, lại ngồi quấn thuốc, nắm bàn tay gân guốc rồi thì thầm với ngoại.
Ngoại có đôi bông tai để dành cho cháu dâu đích tôn hoài. Anh họ lớn tuổi nhưng hình như duyên tình chưa tới, xem đám nào cũng được dăm ba tháng rồi chia tay. Ngoại hay buồn tình, thở than tại nó nghèo, tại nhà mình nghèo nên con gái nó chê. Ngoại sờ lên vách tường cũ kỹ, rỗ lởm chởm rồi thở dài thườn thượt.
Chị đem người yêu về ra mắt, ngoại mừng ra mặt. Cầm tay anh ấy rồi hỏi han, nói chuyện thiệt tình. Chị đùa “duyệt được không ngoại”, ngoại lại cười hiền “bây duyệt thì tao duyệt”. Bẵng đi một thời gian, hai người chia tay. Ngoại nghe tin, thẫn thờ, ăn cơm không nổi. Thấy chị vào ra lặng lẽ, hỏi duyên nợ với người ta sao, ngoại không nghĩ nó cạn tình đến vậy. Chị dựa vào vai ngoại, khóc một trận thỏa thích. Đêm nằm, ngoại lại mất ngủ, cứ tiếc hoài cái lương duyên đẹp đẽ của đứa cháu. Chị hối hận, biết vậy hồi trước đừng đem người ta về để rồi dở dang khiến ngoại buồn lây.
Lúc nhỏ, ngoại hay kể chuyện cổ tích cho mấy chị em. Bao ca dao, tục ngữ cổ ngoại thuộc nằm lòng. Hễ đụng chuyện gì, ngoại lại lấy ca dao tục ngữ ra dạy. Thi thoảng, chị em mình nói lại vài câu tục ngữ khiến đám bạn trầm trồ vì trong sách vở làm gì có.
Chị làm đề tài về lời ru, thế là bấu víu vô ngoại, nhân chứng sống thần kỳ. Ngoại hát ru đến mấy cái băng cát sét cho chị thu âm. Rồi chuyển sang hò địch vận. Ngày xưa, giọng hò của ngoại lanh lảnh, vang cả một dòng Thạch Hãn. Bây giờ, vẫn còn ấm, còn trong lắm lắm.
Đêm nằm, mấy chị em ôm chặt ngoại rồi nghe kể chuyện ngày xưa. Chuyện ngoại mười lăm tuổi đã bị ông cố đem gả, lúc ấy giận ông ngoại lắm dù chưa biết mặt, kiểu như “tự nhiên chấm tui chi rứa biết à”. Hôm rước dâu, ngoại chạy trốn bị ông cố hô người ta bắt lại rồi nhốt trong cái lồng đựng heo và khiêng đi, qua đám ruộng, vùng vằng thế nào mà rơi xuống, lấm lem hết cả. Về nhà chồng, người ngoại toàn mùi bùn, mùi đất. Mấy chị em nghe vừa cười vừa thương.
Ông hiền nhưng lại cộc tính, thương đó nhưng để trong bụng hậm hừ chứ chẳng bao giờ nói ra. Ông đi trước ngoại hơn chục năm nay, ngoại trống trải cứ nhìn lên bàn thờ miết. Hễ đi đâu vài ngày, ngoại lại đòi về nhà cho bằng được, bảo ông mày nhớ, chịu chi thấu.
Mỗi lần đám cháu lên chơi, ngoại chống gậy đi khắp vườn, khèo trái ổi, thử trái mít, hái vài ba nắm lá cho mấy cô cháu gái nấu uống ngủ ngon, có trái cà, trái dứa cũng gửi gắm về.
Ngày giỗ ông, con cháu về đông chật nhà, bỗng dưng ngoại rưng nước mắt, bảo thấy đông như vậy nên vui quá. Ngoại cứ sợ con cháu lớn lên, nhiều việc rồi chẳng ai nhớ đến tổ tiên ông bà. Đúng là lắm khi, bị cuốn trong cuộc sống và công việc nên mình quên mất còn có ngoại thường đứng trước đám cúc tần, trông ra cửa những buổi chiều muộn. Lại thảng thốt, sợ ngày ngoại hóa sương khói mà chưa kịp nghe hết bấy nhiêu nỗi niềm bao la của ngoại.