Một lần tình cờ đọc về ý nghĩa của từ mother trong tiếng Anh theo cách định nghĩa từng chữ ghép nên tiếng gọi thiêng liêng ấy, tôi cứ nhớ hoài.
Nhiều nước trên thế giới chọn ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng Năm là Ngày của Mẹ. Ngày ấy năm nay đã kề bên, ngày 12/5. Tôi chắc rằng không phải ai cũng biết ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm là Ngày của Mẹ. Nhất là những người như bà tôi, như mẹ tôi, như rất nhiều người Mẹ trên dải đất hình chữ S, mãi dãi dầu nắng mưa, tảo tần, lặn lội mưu sinh, quên mình lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ…của con. Nhưng tôi tin rằng những người Mẹ ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có ý nghĩa thiêng liêng trong sâu thẳm trái tim mỗi người, với tất cả những điều tốt đẹp nhất mà Mẹ đã mang đến trong cuộc đời mỗi người, từ thưở ấu thơ cho tới khi trưởng thành.
Người Việt Nam theo nhà Phật biết đến ngày lễ vu lan, nhằm ngày rằm tháng Bảy âm lịch là ngày báo hiếu. Ngày đó, mọi người chia sẻ hạnh phúc với những ai còn mẹ, được cài bông hồng đỏ trên ngực áo, và buồn tủi cho những ai không còn mẹ, lặng lẽ đặt trong tim mình một bông hồng trắng.
Ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng thiên vị vai trò của Mẹ trong mỗi tổ ấm gia đình hơn. Là đây, “Con mồ côi cha ăn cơm với cá. Con mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Cha chắc cũng không phiền lòng vì sự thiên vị này. Con là con chung của Cha và Mẹ, nhưng trong nhà, Cha phong Mẹ làm “tổng chỉ huy” với câu “sấm truyền”: “Con hư thì tại mẹ”
Thế giới phẳng mở ra, thông tin mạng lan truyền để chúng ta biết thêm về một Ngày của Mẹ ở phương tây vào Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm. Bao nhiêu ngày nhớ đến Mẹ đều không đong đầy suối yêu thương của Mẹ chảy trong trái tim mỗi người. Biết thêm một Ngày của Mẹ, thêm hân hoan.
Tôi đã quá miên man rồi. Mấy ai nghĩ về Mẹ mà không miên man. Miên man như một lần tình cờ tôi đọc về ý nghĩa của từ “mother” trong tiếng Anh mà tôi đã nhắc lại để mở ra những dòng tản mạn này.
Tôi đọc bằng tâm tư của một người Việt, rằng từ mother được đa số trong hàng vạn người trên 46 quốc gia được Hội đồng Anh khảo sát, bình chọn là từ đẹp nhất trong tiếng Anh với tất cả ý nghĩa của mỗi chữ cái (M-O-T-H-E-R) ghép thành tiếng gọi thiêng liêng đó.
Rằng chữ M gợi đến từ million - is the million things she give: tạm dịch là hàng triệu điều tốt đẹp nhất mà mẹ dành cho con.
O: Old - means only that she is growing old: tạm dịch tuổi của Mẹ ngày một nhiều thêm. Tôi mấy lần nghe câu hát “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi” là mấy lần chùng lòng trước quy luật của tạo hóa, để cuống quýt yêu Người hơn.
T: Tears - is for the tears she shed to save her child: những giọt nước mắt Mẹ đã khóc vì con. Đó là một biển hồ. Có lần tôi nghe cô bạn tâm sự, rằng ngày sinh đứa con đầu lòng, bạn tôi khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt trong cơn đau “vượt cạn” của bạn tôi thấm đẫm trong đó cả những giọt nước mắt khi nghĩ đến những giọt nước mắt mà đấng sinh thành của bạn tôi đã tuôn trào khi bạn cất tiếng khóc chào đời… Giọt nước mắt có khi là nỗi buồn, có khi là hạnh phúc, lăn theo từng bước chân con trên đường đời.
H: Heart - is for her heart of purest gold: là trái tim nhân hậu của Mẹ. Tôi tin rằng, có đôi khi ngoài đời kia, Mẹ phải “xù lông nhím” nhưng trong mỗi nhà, lòng Mẹ luôn luôn là chiếc nôi êm ái đưa nhịp vun cho lòng nhân ái trong con. Đến “con cò” trong ca dao còn thiết tha: “Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/Có xáo thì xáo nước trong/Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”
E: eyes - is for her eyes, with low-light shining: tạm dịch là ánh mắt yêu thương của Mẹ. Không phải khi nào ánh mắt ấy cũng dịu dàng, nhưng tôi tin rằng, và tôi nghĩ mỗi người hiểu Mẹ đều biết trong đáy mắt Mẹ luôn có vị yêu thương lấp lánh, ngọt ngào.
Và cuối cùng, chữ R: right - mean right, and right she will always be: tạm dịch là Mẹ luôn luôn đúng. Cho dù việc Mẹ ép con thi vào trường kinh tế trong khi con thích và có năng khiếu làm cô giáo là không đúng, nhưng đúng là trong lòng Mẹ nghĩ điều đó tốt cho con hơn. Cho dù Mẹ bảo con nên lấy cô X làm vợ trong khi con chỉ yêu cô Y là không đúng, nhưng đúng là Mẹ làm vậy vì nghĩ rằng con lấy cô X thì tốt cho con hơn…Đúng không ạ?
Ngày 13/5 năm nay là Ngày của Mẹ. Dù trên đây tôi đã viết rất nhiều, tôi cũng từng bày tỏ không biết bao nhiêu là tâm tư, nguyện vọng với mẹ, nhưng tôi phải “đỏ mặt” kể ra là tôi chưa bao giờ nói thành câu “con yêu mẹ” với Người. Nói ra như vậy với tôi thật là ngại và tôi thật lòng thật dạ ganh tỵ với cả những đứa trẻ có thể hét lên “mẹ ơi, con yêu mẹ” rất là thoải mái. Nhưng không sao, tôi có cách của riêng tôi cũng như tôi tin mỗi người đều có cách của riêng mình để thể hiện tình cảm thiêng liêng dành cho Mẹ. Và tất nhiên là không chỉ riêng trong một ngày.
Nhận xét
0 Nhận xét cho bài "Tản mạn về ý nghĩa của từ “mother” nhân Ngày của Mẹ"
Post a Comment