Blogger Widgets

Đường xưa lối cũ



Mùa thu khai trường, đường phượng bay vàng úa. Đường xa tít tắp, mùa hạ rót nắng chói chang, mùa đông lao xao lá đổ, mùa xuân chúm chím cúc vàng. Đường cũ đến trường đã bao mùa nằm đợi bước chân. Tháng năm không ở lại, tôi bây giờ mãi xa.

 
Đường xưa lối cũ
Thuở nhỏ, tôi đến trường bằng chiếc xe cup của ba. Tôi ngồi sau xe, tay khư khư ôm cặp sách, đôi khi ngắm lưng áo ba rồi dụi đầu vào đấy lơ mơ ngủ, đôi khi háo hức tìm mấy gương mặt quen thuộc cũng đang tản bộ hoặc ngồi trên xe máy, xe đạp, xe ba gác đến trường. Mỗi sớm mai, khi mặt trời thơm thảo ban phát những tia nắng vàng óng, khi gà trống đỏ mặt tía mào rống cổ gáy, con đường làng lại bắt đầu nhịp sống rộn rã. Trẻ con tíu tít gọi nhau đi học. Người lớn hối hả gánh rau xanh mướt, gánh khoai sắn lấm đất nâu vàng, gánh những lo toan, nhọc nhằn ra chợ. Bác nông dân lùa đàn trâu thủng thẳng ra sông tắm mát. Bà cụ rục rịch dọn hàng nước bé xíu dưới gốc cây già nua. Những hàng quán bày vài thức quà dân dã như kẹo lạc, bánh khoai, chè bột lọc và thứ nước trà pha đường phèn ngọt mát ấy luôn là niềm mê mẩn của tuổi thơ tôi. Thỉnh thoảng đi học sớm, ba ghé vào đấy cho tôi ăn kẹo và nhấp nháp trà ngọt còn ba trầm ngâm hút thuốc. Tôi mê tít những sáng yên bình như thế, đời ba tôi chẳng mấy khi thong thả nhìn con gái nhai kẹo, toét miệng khoe răng sún đen sì.

Đấy chỉ là ngày đẹp trời, quê tôi không thiếu những mùa thiên tai. Có năm hạn kéo dài, buổi trưa hai ba con chở nhau về nhà không đằng hắng nổi một tiếng dưới cái nắng trưa im ắng đến ngột ngạt. Nắng rát da, rát thịt bất chấp mọi lớp áo mũ khoác lên người, gió Lào hun hút thổi, cuộn lớp bụi đỏ bay tung mù. Tôi nép sau lưng ba, không dám hỏi bụi có làm mắt ba cay xè, không dám phá vỡ thứ im lặng bao quanh người ba. Những trưa như thế ba nghĩ nhiều về giếng nước nhà tôi, về giếng nước nguồn của làng. Có năm hạn to, cả làng lặng lẽ sống qua từng ngày khô khốc, nín thở chờ đợi từng cơn mưa. Mùa lũ, chiếc xe cúp ít khi được dùng, ba đón tôi bằng một chiếc ghe nhỏ, loại ghe tự chế hầu như nhà nào cũng có. Mấy đứa trẻ hàng xóm cũng đi ké ghe của ba tôi, ba mẹ chúng bận đi cứu hồ tôm trong cơn nước xả. Chúng tôi thích thú ngắm dòng nước lũ đỏ ngầu, thỉnh thoảng đụn lên từng vòng xoáy lăn tăn, huyền hoặc và bất tận. Tôi khoe với ba bất kỳ vật thể nào vớt lên được như cây bèo tây nở hoa tím ngắt hay chiếc giỏ mây của nhà nào đấy bị lũ cuốn. Ba mỉm cười nhưng ánh mắt chẳng bao giờ hết đăm chiêu.

Cấp ba, tôi trọ học xa nhà, ba sắm cho tôi một chiếc xe đạp, từ đấy một mình tôi tới trường. Tôi đi qua nỗi nhớ nhà, đi qua thời thiếu nữ trong veo. Nhà trọ tôi ở cách trường gần hai cây số. Mỗi sáng, vén làn sương mù thâm u và tinh khiết, tôi đạp xe ra khỏi thành nội bằng một trong những cửa thành cũ kỹ. Ngang cầu Tràng Tiền, sương đã tan nửa vời, trời cao và trong hơn, tôi thấy bình minh lẳng lơ dát bạc lên dòng Hương Giang sâu thẳm. Cổng trường trầm mặc đứng đó, sau đoạn đường xanh mướt vòm cây long não. Tôi thích ngày đầu tuần, con đường đến trường mong manh những tà áo trắng, tôi thấy tim mình cũng mong manh và hư hao ít nhiều trong những ngày như thế, tâm trí tôi còn lang thang hơn cả vạt áo dài phấp phới trong gió. Tôi nghĩ về đời sống, nghĩ đến tương lai, số phận, đôi khi nghĩ cả những nghệ sĩ sống xa tôi nhiều thập kỉ, họ để lại tiếng thở dài yêu thương nhưng đầy trăn trở. Sau này tôi biết tim mình đã không hư hao, chỉ là nó biết cuộn thành đường gấp. Tôi tin rằng tim cũng như não, nếp gấp phải chắt chiu từng ngày.

Sau này, tôi có thêm mấy đứa bạn thân, chúng tôi cùng đường đến trường, cùng chia nỗi lo lắng bài vở, chia những tiếng cười và mộng ước khờ khạo. Có lần cả lũ rủ nhau trốn học, đạp xe ngược lên Đập Đá, lang thang khắp vùng Vĩ Dạ yên bình. Tôi đã nghĩ những ngày tháng tươi đẹp ấy sẽ không bao giờ kết thúc. Rồi thời gian dạy tôi không gì là mãi mãi. Vào ngày cuối cùng đạp xe trên con đường đến trường, tôi nhận được lá thư để quên trong giỏ rằng có một người vẫn theo tôi đi, về nhiều ngày, nhiều tháng. Tôi đã không bao giờ biết mặt người chung đường đó nhưng tôi chưa từng quên nét chữ run run và mấy dòng thơ ngây ngô đề tặng.

Giờ tôi không còn đi đường xưa lối cũ, đường đời tôi bước rộng lớn nhưng rối ren hơn nhiều. Khi vấp ngã tôi thường nhớ ba mẹ đã lam lũ cả đời, mở cho tôi con đường đến trường, con đường chiêm nghiệm cuộc sống, chiêm nghiệm chính lòng mình. Đi qua là để lại. Tôi chưa để lại gì ngoài nhỏ bé và tuổi trẻ, tôi còn phải đi nhiều, để gửi lại yêu thương.


Nhận xét

0 Nhận xét cho bài "Đường xưa lối cũ"

Post a Comment

Nhiều hơn →
Chữ đậm Chữ nghiêng Chữ nghiêng 2 Chèn Link Chèn Link Mã hóa code Help ?Nhấn vào biểu tượng hoặc kiểu chữ hoặc chèn link sau đó nhấn nút Chọn rồi copy (Ctrl + C) để paste (Ctrl + V) vào khung viết bình luận. Mã hóa code nếu bạn muốn đưa code vào bình luận.

Chọn Xóa

 

Danh Mục

Total Pageviews

Phi lên đầu Bản quyền © 2012 | Đọc Để Cười| Nội dung bài viết từ nguồn khác