Lại một mùa phượng vĩ, bằng lăng, mùa lũ học trò xốn xang vì sắp được nghỉ học rong chơi ba tháng dài, những đứa phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp thì lo ngay ngáy, học ngày học đêm đến quên ăn quên ngủ. Sau lưng chúng không bao giờ thiếu bóng dáng mẹ với đôi bàn tay chăm sóc, tảo tần.
Mẹ có bao giờ nhớ, cũng trong tháng này, còn có một ngày vô cùng ý nghĩa - Ngày của Mẹ không? Tôi tin đến 90% các bà mẹ Việt Nam không nhớ đến ngày này, bởi nó bắt nguồn từ phương tây, mẹ Việt Nam lam lũ, hy sinh quen rồi, mẹ chẳng bao giờ nghĩ gì cho mẹ cả.
Anh Hai tôi đã lấy vợ và ra ở riêng, hôm trước đưa vợ con về chơi cuối tuần vui mồm bảo mẹ: “Thế giới người ta đang kỷ niệm ngày của mẹ ầm ầm, nhà mình cũng ra nhà hàng kỷ niệm đi bà ạ!”.
Mẹ chép miệng đúng điệu muôn thủa: “Ôi dào vẽ chuyện, chúng mày về đây mẹ nấu cho mà ăn, lại chả ngon gấp mấy nhà hàng!”.
Chủ đề ăn nhà hàng nhanh chóng bị dập vùi không thương tiếc. Ai cũng biết là chẳng lay chuyển, thuyết phục nổi mẹ đâu. Mẹ lúc nào cũng vậy, chỉ quen chăm sóc, luôn tay luôn chân vì người khác. Hình như mẹ thích nhất là lúi húi trong bếp làm cho con, cho cháu những món ngon. Tôi có nhảy vào phụ một tay cũng bị mẹ đuổi ra, mẹ sợ tôi không có thời gian ôn thi tốt nghiệp. Từ bé đã được mẹ lo cho vào trường chuyên, lớp chọn, đôi bàn tay tôi quen cầm bút hơn là nhặt mớ rau, thái miếng thịt. Tay con gái vừa thon, vừa mịn, tay mẹ thì nhăn nheo vết thời gian, có khi móng còn cáu nhựa rau rửa mãi chẳng sạch. Thế nhưng đôi bàn tay ấy lại như có phép diệu kỳ tạo ra những món ngon mà chỉ nghĩ đến thôi mọi thành viên trong gia đình đã ứa nước miếng. Cũng đôi bàn tay ấy mỗi khi đưa lên trán anh em tôi đang ốm, là đã xoa dịu đi những đau đớn, khó chịu rất nhiều.
Mẹ tôi có một cái uy mà chẳng ai trong nhà có được, ấy là mẹ... quát cháu thật khủng khiếp! Mấy đứa con nhà anh Hai mỗi tuần về chơi ông bà đều sợ bà nội nem nép. Chơi thì thích đấy, nghịch thì nghịch đấy, nhưng vẫn phải dòm thái độ bà. Hôm thằng nhóc nhà anh hai chạy chơi trước cửa cùng bọn trẻ trong xóm, la hét ủm tỏi chẳng ai nói được, đã vậy còn ngã xướt chân rồi giở thói mè nheo, bà chẳng nựng còn “điên tiết” đét cho mấy cái vào đít, vừa đét vừa quát: “Nói mày không nghe! Đau phải nhớ! Đau phải nhớ, nhé!”.
Mẹ chuyên gọi con cháu là “mày”, đúng kiểu người chân chất, ít học, có lúc còn ác khẩu. Mấy ai biết, sau những lời có phần thô lỗ, lạnh lùng ấy, có đêm mẹ thao thức ôm áo cháu hít hà rồi ứa nước mắt vì nhớ nó những ngày nó mới chuyển ra.
Năm nay rồi cũng sẽ lại như mọi năm, chẳng có lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ nào ở gia đình nhà tôi sất. Chỉ có tôi sau khi tan lớp học thêm buổi tối sẽ quẹo vào mua cho mẹ món bánh sầu riêng mà mẹ thích. Mẹ sẽ lại bảo “để phần cho con Tũn về ăn cùng”. Đoạn mẹ sẽ gọi điện cho anh cả và chị dâu: “Cuối tuần này chúng mày nhớ về, mẹ nấu bún ngan, nhá!”.
Nhận xét
0 Nhận xét cho bài "Mẹ tôi"
Post a Comment