Từ ngày lớn lên tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ nặng lời với nhau. Ai cũng khen gia đình tôi hạnh phúc. Cha tôi hết việc ở công sở về tới nhà bao giờ cũng nở nụ cười với vợ con.
Cha mẹ tôi có kỷ niệm về mối tình đầu đẹp lắm, có thể viết thành tiểu thuyết. Tôi không ngờ ở cái vùng núi heo hút này lại có một mối tình lãng mạn đến vậy. Mẹ tôi mua hẳn một chiếc hòm tôn để đựng thư của hai người. Mẹ coi đấy là báu vật. Lúc vắng cha, mẹ thường lấy thư ra đọc, rồi tủm tỉm cười một mình. Một hôm, chị em tôi nói đùa với mẹ: “Mất cái hòm của mẹ rồi!”. Mẹ kêu toáng lên, mắng chị em tôi “không biết trông nhà trông cửa”. Rồi mẹ khóc hu hu như một đứa bé. Khi biết bị đùa, mẹ trợn trừng mắt, vồ lấy hòm thư, mở ra đếm đi đếm lại xem có thiếu gì không...
Cha tôi được chuyển công tác về Hà Nội, cách nhà hơn trăm cây số, mỗi tháng chỉ về thăm nhà một lần. Lần nào cha về mẹ cũng vui, như xa nhau mấy năm trời gặp lại.
Năm đó tôi thi đậu vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1. Cha đưa tôi đến nhập trường. Rồi cha dẫn tôi đến nhà một người bạn có tên là Quỳnh. Cô Quỳnh trẻ trung, xinh xắn, có một con trai kháu khỉnh đang học lớp 3. Gặp cha con tôi, cô Quỳnh thật hân hoan. Trong nhà cô, cái gì trông cũng đẹp, từ bình hoa, bộ ly cốc, cho tới những bức tranh treo tường... Hôm ấy, cô Quỳnh đưa tôi ra Chợ Hôm, hỏi tôi thích gì, muốn mua gì? Tôi không biết nói thế nào, vì cái gì tôi cũng thích. Tôi nhớ mãi món bún ốc chiều hôm ấy...
Tôi học ở Cầu Giấy, thỉnh thoảng cô Quỳnh tới thăm, đưa tôi về nhà chơi. Cũng từ đấy mà tôi và Tuấn Anh (con trai cô) thân thiết và quý mến nhau. Một lần tôi bị bệnh nặng, cô Quỳnh đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Tôi đem chuyện này kể với mẹ. Mẹ cảm động rơi nước mắt. Mẹ khuyên tôi phải biết tôn trọng, lễ phép với cô Quỳnh. Rồi mẹ chuẩn bị quà cho cô Quỳnh, rất nhiều thứ đặc sản của miền núi. Cha bảo mẹ, em cứ bình thường! Mẹ nói như mắng cha: “Anh chỉ được mỗi cái nghiên cứu khoa học thôi, còn xã giao thì kém lắm, người ta thương con mình thì mình tiếc gì!”. Tôi thấy nét mặt cha rạng rỡ hẳn lên.
Hôm ấy mẹ con cô Quỳnh về thăm quê ngoại ở Hà Đông, cô bảo tôi tới coi nhà. Dạo này tôi đang ôn thi hết học phần. Cô đưa cho tôi mấy cuốn tiểu thuyết đọc cho đỡ buồn. Tôi đang vùi đầu vào ôn thi, còn đâu thời gian để đọc tiểu thuyết. Nhưng, lúc mỏi mệt, tôi lật lật mấy trang sách để gọi là “có biết”. Tôi giở cuốn Tiếng chim hót trong bụi mận gai của nữ văn sĩ Úc Collen Mc Cullough, thì thấy một lá thư rất dài. Tôi không còn tin vào mắt mình, đó là thư của cha tôi gửi cho cô Quỳnh - một bức thư chứa chan tình cảm, không kém những bức thư mà cha từng gửi cho mẹ tôi hồi hai người yêu nhau. Lá thư không đề ngày tháng, nhưng trông cũ kỹ, chắc cô Quỳnh phải đọc nó nhiều lắm. Tôi thấy thương và xót xa cho mẹ. Tôi như người bước hụt, chới với trong khoảng trống. Tôi suy nghĩ miên man, tự nhủ mình sẽ giữ kín chuyện này. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Cha vẫn hay ghé thăm tôi và mẹ con cô Quỳnh.
Rồi một ngày mẹ bỗng đổ bệnh nặng, nằm viện mấy tháng trời, cô Quỳnh nghỉ việc chăm sóc mẹ tôi đến tận lúc lâm chung. Trước khi ra đi, mẹ thủ thỉ thều thào với tôi: “Mẹ đi thấy lòng mình thanh thản lắm. Các con hãy coi cô Quỳnh là mẹ, coi Tuấn Anh là em ruột của mình. Nói với cô Quỳnh, mẹ cảm ơn cô nhiều lắm! Còn mối tình của cha con với cô Quỳnh, để cho các con hiểu trái tim người đàn ông hơn!”. Câu nói vừa dứt, trái tim mẹ cũng ngừng đập. Tôi sụp đổ hoàn toàn... Cha tôi khóc, mái đầu bạc hẳn đi, cứ dụi vào đôi bàn tay mẹ còn chút âm ấm, cha không còn vẻ cứng rắn và đạo mạo như thường ngày. Cô Quỳnh xót xa lặng lẽ...
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn đau đáu một câu hỏi: “Sao mẹ lại biết được mối tình vụng trộm của cha? Phải chăng như người ta nói “thông minh như người sắp chết!”. Và phải chăng, qua câu chuyện tình của cha mà tôi hiểu được trái tim, nghị lực, đức hy sinh của mẹ, cũng như tấm lòng nhân ái của người phụ nữ?
Nhận xét
0 Nhận xét cho bài "Mẹ và mối tình của cha tôi"
Post a Comment