Blogger Widgets

Đam mê tình dục khiến tôi nhiều lần lạc lối




Tôi hàng ngày chìm đắm trong tình yêu, chính xác hơn là tình dục, bao nhiêu tiền bạc công sức tôi làm ra đều cung phụng cho thói quen không thể thiếu đó. Tôi tàn tạ, sức khỏe bị bào mòn, người yêu chỉ xem tôi như một công cụ.

Tôi 23 tuổi, ăn học tử tế, du học nước ngoài, vẻ bề ngoài trí thức đó chỉ đánh lừa được người khác chứ không tự lừa dối bản thân và lừa dối anh được. Anh là người đàn ông với vẻ ngoài mạnh mẽ lạnh lung, mang một trái tim tình cảm, không nhiều lời, chỉ hành động thôi. Anh luôn theo dõi từng bước chân tôi gần 3 năm không mỏi mệt. Anh chỉ xuất hiện khi tôi buồn, còn lúc vui xung quanh tôi không hề có anh.
Khi tôi thích một người đàn ông, tôi đều biết người đàn ông đó sẽ không tốt, cái kích thích sở thích của tôi là vẻ bên ngoài, vóc dáng khỏe mạnh, một chút sở khanh. Tôi tự đánh lừa con tim bằng thị giác của mình, chỉ cần lọt vào mắt tôi, tôi thích nhìn, đam mê nên nghĩ mình đã yêu. Tôi yêu như vậy vài lần, vấp ngã vài lần.

Gặp anh, tôi trong tình trạng tôi tồi tệ, sống như vợ chồng với bạn của anh trong vòng 2 năm. Anh nhìn thấy tôi hàng ngày chìm đắm trong tình yêu, chính xác hơn là tình dục, bao nhiêu tiền bạc công sức tôi làm ra đều cung phụng cho thói quen không thể thiếu đó. Tôi tàn tạ, sức khỏe bị bào mòn, người yêu chỉ xem tôi như một công cụ, cuối cùng cũng kết thúc. Bằng tất cả tình thương, bỏ qua sĩ diện và bạn bè, anh lôi tôi ra khỏi cuộc tình 2 năm địa ngục, để tôi bắt đầu cuộc sống mới ở phương trời khác.
Rồi tôi đi du học, anh tiễn tôi đi không nói nổi một lời, mặc dù hy vọng tôi sẽ về với anh, anh luôn chờ tôi, trong anh như biết rõ con người tôi khó thay đổi. Tôi như chim sổ lồng, sung sướng vì thoát khỏi cái địa ngục tự tạo, tung tăng xây dựng cuộc sống mới, cố gắng yêu thương, nhớ nhung anh. Nó quá khó vì trong tôi có chút căm ghét anh đã can thiệp vào cuộc đời tôi, đã yêu quá mức làm tôi mệt mỏi. Tôi luôn có ác cảm, không thể nào gần gũi anh được.
Chỉ mới 3 tháng tôi đã tìm cho mình người yêu mới mặc cho anh đau khổ ở nhà, anh buồn rầu, mất niềm tin dù vẫn chờ đợi một lời giải thích. Tôi im lìm, vui sướng bên tình mới, không một lời thông báo hay giải thích, đắm chìm trong tình yêu mà phần lớn lại là tình dục. Tôi lại tiếp tục lầm đường lạc lối, người yêu của tôi trí thức, cũng là người đàn ông Sở Khanh. Anh ta có người con gái khác, muốn yêu một lúc hai người, một người phục vụ nhu cầu tiền tài, một người cho nhu cầu tình ái.
Dù biết người yêu tôi quá tệ nhưng tôi cho qua vì đam mê của tôi hơn hết mọi thứ. Tôi không thể sống cô đơn lạnh lẽo một mình. Đến một ngày người yêu tôi về nước, tôi cũng có việc về theo. Anh ta nói sắp cưới người con gái giàu có đó, vẫn muốn tiếp tục với tôi vì yêu, tôi tự hỏi yêu tôi hay đam mê? Tôi buồn chán vì mọi việc không như ý muốn, nó xảy ra quá nhanh so với dự tính, tôi hụt hẫng vì nghĩ kinh nghiệm, suy nghĩ của mình như vậy làm sao mà thất bại được. Tôi chán nản, lại gặp một số khó khăn trong cuộc sống, tôi quay về gặp anh.
Anh ở đó chờ đợi tôi về, nhẹ nhàng an ủi, nói rằng đã biết hết về cuộc sống của tôi. Tôi thất bại, anh đã cho tôi cơ hội nhiều lần, lần này đừng bỏ anh nữa. Về với anh tôi như trần trụi, tự cảm thấy mình không còn cái gì để che đậy cho thân xác dơ bẩn tội lỗi. Anh tìm mọi cách gần gũi, không một lời trách móc, cố gắng lôi tôi ra cái cảm giác tội lỗi để quay về bên anh. Tôi biết hơn ai hết anh vô cùng đau khổ khi lại nhìn thấy tôi tàn tạ quay về, có phải thật sự yêu nên anh không màng tới cuộc sống tồi tệ của tôi? Anh chỉ khóc thầm trong lòng và cố gắng quên nổi đau để dành khoảng trống con tim chứa nỗi đau và mặc cảm tội lỗi của tôi.
Thất bại nhiều lần, tôi không còn cảm giác tin vào tình yêu nữa, nghi ngờ luôn cả anh. Làm sao mà chấp nhận được con người như tôi, những khi gần gũi nhau anh sẽ nhớ đến cảnh tượng tôi cùng những người đàn ông khác? Tôi đau khổ chỉ biết nấc lên, khi nghe anh nói đến với tôi bằng tình yêu rất đơn giản, không có lý do. Anh chỉ muốn thấy tôi cười, không muốn tôi cực khổ, không muốn thấy tôi bị người ta đẩy đưa, chỉ muốn tôi sống lại như con người thật của mình, không lầm lạc vào con đường sai trái. Anh mong tôi nếu có lấy chồng cũng lấy một người tốt, không cần phải là anh.
Tôi đau đớn nhìn anh, bao lần anh đau tim vì tôi, bao lần anh bị tôi bỏ lại sau lưng, bao nhiêu lần tôi hứa sẽ quay về, tại sao lại chờ một người như tôi, còn mong muốn đi hết con đường với tôi? Anh mong tôi cho anh một cơ hội để được gần gũi chăm sóc, đáng lẽ ra người xin cơ hội đó phải là tôi chứ. Tôi phân vân, không dám bước đến bên anh dù tin có tình yêu thật sự. Dưới con mắt tôi cuộc đời này khó tìm được tình yêu thật sự, hy sinh vì tình yêu, chỉ có trong phim ảnh. Khi gặp anh, tôi đã dần tin điều đó.
Mặc cảm tội lỗi làm tôi không dám quay về bên anh, nỗi sợ hãi vấp ngã làm tôi phân vân. Tôi có cảm giác mình không xứng đáng nhận tình yêu đó. Tôi tự hỏi còn nhiều người đàn ông như anh không trong cái xã hội hiện đại như bây giờ? Nhìn lại trong xã hội giờ quá nhiều bạn trẻ cũng trót dại sống như tôi, không quý trọng giá trị bản thân, chìm đắm trong đam mê thể xác, hạnh phúc ảo, để rồi một ngày nào đó khi gặp hạnh phúc thật sự không còn đủ tự tin để đón nhận, đôi khi để mất luôn hạnh phúc.
[Trẫm xem tiếp...]


Yêu người xấu vẫn bị phản bội




Anh xấu, lùn, có một chút tài lẻ, tôi nghĩ đó là điều kiện tốt để về sau tôi khỏi phải mệt nhọc giữ chồng. Nhưng không ngờ tôi phát hiện anh đã thuê nhà nghỉ qua đêm cùng cô gái khác. Tôi cố gắng gặng hỏi cô ấy là ai, anh ta cúi gằm mặt không trả lời.

Tôi là cô gái sắp bước sang tuổi 27, nhan sắc trung bình, trẻ trung, tự tin, có công việc tốt trong công ty nước ngoài. Tôi trải qua một vài mối tình, cuối cùng chẳng đi đến đâu. Công việc bận rộn nên tôi cũng mặc kệ chuyện gì tới sẽ tới. Cơ bản đâu đó vẫn có vài anh chàng theo đuổi, tôi cũng chẳng có gì là vội vã, gò bó bản thân để yêu và kết hôn.

Anh là đối tác của tôi, quen biết nhau 6 tháng anh đề nghị tôi làm bạn gái. Tôi đồng ý, tưởng đó là cái kết cuối cùng cho những cuộc tình của mình khi anh liên tục đề nghị cuối năm sẽ cưới. Phải nói rằng anh xấu, lùn, có một chút tài lẻ, tôi nghĩ đó là điều kiện tốt để về sau tôi khỏi phải mệt nhọc giữ chồng. Hơn nữa, anh chiều chuộng, làm những gì tôi yêu cầu và theo đuổi cật lực.

Chúng tôi từng cãi nhau vì những chuyện liên quan tới người cũ của anh, khi đó anh tỏ ra rất đau khổ, lo sợ tôi sẽ đổi ý. Chúng tôi cởi mở với nhau mọi chuyện, kể cả điện thoại hay tin nhắn của tôi anh đều có thể tự nhiên đọc. Đôi khi anh cũng cho phép tôi đọc tin nhắn của mình, cho tới một ngày tôi phát hiện ra anh đã thuê nhà nghỉ qua đêm cùng cô gái khác. Tôi cố gắng gặng hỏi cô ấy là ai, anh ta cúi gằm mặt không trả lời cho tới khi tôi xách giỏ đi về.

Tôi hận anh là kẻ dối trá, lừa gạt, thật may mắn tôi đã bóc được cái mặt nạ giả dối ấy. Anh ta sẽ gặt gió bão vì những gì đã gieo. Tôi không tiếc cho một đám cưới hay một người chồng, nếu phát hiện ra điều ấy sau khi đã lấy anh thì thật tai hại. Tôi tin mình là người tốt sẽ được đền đáp xứng đáng, ở đâu đó có người tốt hơn dành cho tôi.

[Trẫm xem tiếp...]


Gia đình tan vỡ từ khi ba trúng số




Từ ngày có tiền ba khác hẳn, đối xử với mẹ con tôi như người xa lạ. Rồi ba có người phụ nữ khác, tôi và mẹ không tài nào nói cho ba hiểu gia đình quý giá như thế nào. Ba giờ chỉ nhìn vào số tiền đó, gia đình mặc kệ.

Ngày trước gia đình tôi nghèo, tôi lên Sài Gòn học trong túi chỉ có 297 nghìn đồng. Tôi đã cố gắng để đương đầu với những khó khăn mà không một chút sợ hãi vì đằng sau là cả gia đình đang ngày ngày động viên tôi. Sau thời gian 4 năm đi học, đi làm ở Sài Gòn, tôi tích góp để trả một khoản nợ của gia đình. Nay tôi đã về làm tại quê nhà, bỗng nhiên ba có số tiền rất lớn từ việc trúng xổ số. Bi kịch xảy ra từ đây.

Trước đó ba rất quan tâm, lo lắng cho gia đình, từ ngày có số tiền đó ba khác hẳn, đối xử với mẹ con tôi như người xa lạ. Người ta nhìn vào nói gia đình tôi rất có phước, ai biết được đằng sau đó là một nỗi buồn vô tận của 2 mẹ con. Dạo này ba đi chơi nhiều, tôi nhớ làm sao những buổi cơm tuy không có sơn hào hải vị vẫn đầy ắp tiếng cười đùa.

Ba nói gia đình này không quan trọng nữa. Tôi và mẹ khóc rất nhiều, không mong gì ở số tiền đó, chỉ muốn ba trở lại như trước kia. Chuyện gì đến đã đến, ba có người phụ nữ khác, tôi và mẹ không tài nào nói cho ba hiểu gia đình quý giá như thế nào. Ba giờ chỉ nhìn vào số tiền đó, gia đình mặc kệ. Tôi và mẹ phải làm sao đây, xin các bạn độc giả hãy tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cám ơn.
[Trẫm xem tiếp...]


Anh chọn em nhưng vẫn sống với chị




Khi cả ba người gặp mặt, anh hứa với em không gặp chị nữa, vậy mà chưa đầy mấy tiếng đồng hồ niềm vui bị dập tắt khi đêm đó anh lại năn nỉ chị. Em cũng phải xem như chưa từng có chuyện gì.

Em sinh ra ở vùng quê miền Trung, tốt nghiệp 12 em vào Sài Gòn tự thân lập nghiệp, vừa đi làm vừa đi học, vượt qua tất cả mọi cám dỗ của xã hội. Sau 4 năm ra trường em tìm được một công việc ở cơ quan nhà nước. Không có thời gian nên em không yêu ai, đến khi gặp anh cũng đúng lúc em vừa tốt nghiệp.

Em và anh yêu nhau được gần một năm, đã đi quá giới hạn. Anh 39, em 23, tuổi chênh lệch nhưng tính cách và suy nghĩ hai con người như được hòa làm một, về cả thể xác lẫn tinh thần. Có những lúc chỉ cần nhìn vào mắt nhau cũng hiểu đối phương nghĩ gì. Giữa anh và em hội tụ đầy đủ những yếu tố từ hai người bạn đến tình cảm anh em, tình yêu nam nữ, tình yêu thương trách nhiệm để chia sẻ trong mọi nỗi niềm.

Em hiểu rất rõ tình yêu của anh nhiều đến thế nào, em cảm nhận tình cảm dành cho anh chưa nhiều nên luôn cầu mong có nhiều yêu thương để yêu anh hơn. Anh sống rất có trách nhiệm, luôn lo lắng, quan tâm, chia sẻ cùng với em trong những lúc khó khăn nhất. Anh luôn bên cạnh những lúc em cần.

Những vấp ngã từ nhỏ đã tô luyện anh thành một con người độc lập, cứng rắn, bản lĩnh tuy bên ngoài được bao bọc bởi một lớp vỏ yếu đuối, nhu nhược. Anh trải đời, sâu sắc, hiểu biết nhiều, nhẹ nhàng, khéo léo trong từng lời nói, cử chỉ, hành động.

Từ buổi ban đầu đến với nhau, cả anh và em đều xác định một mối quan hệ bền vững, lâu dài, đi trên một con đường. Anh luôn làm tư tưởng và chỉ cho em những tình huống thường xảy ra để tiến đến một cuộc hôn nhân tốt hơn. Đến với anh, em chưa bao giờ phải ân hận, luôn thấy mình may mắn dù anh lớn tuổi hơn em rất nhiều, từng kết hôn, không có những tình yêu thương căn bản của một gia đình như bao người khác, trình độ của anh kết thúc năm lớp 9. Ở bên anh em luôn có cảm giác bình yên, hạnh phúc, thầm nghĩ nó thuộc về mình mãi mãi nhưng ở đời có những chuyện không ngờ.

Yêu anh được ba tháng, có người phụ nữ gọi điện nói đang sống với anh như vợ chồng. Em hụt hẫng, thất vọng vì đặt tất cả niềm tin vào anh, tôn thờ anh vì sự chung thủy. Khi em nói chuyện anh thừa nhận, hứa sẽ từ bỏ người đó. Trong thời gian này em có nói chuyện với chị, chị nói anh đã có gia đình ở quê, em hỏi anh phủ nhận. Sau này khi em đề cập đến chuyện kết hôn anh mới thừa nhận từng có vợ, đã chia tay. Một người từng đổ vỡ chẳng lẽ không được đi tiếp, chỉ cần hai người không còn trách nhiệm gì với nhau là được rồi. Em tin và sống với anh như chưa từng có chuyện gì.

Vốn là người nhạy cảm nên em dễ nhận thấy những thay đổi từ anh. Em gọi điện cho chị, một sự thật phũ phàng được phơi bày. Thời gian qua anh đã lừa dối em và chị. Hai tháng sau khi chị biết chuyện, anh đã ở nhà với chị, cuối tuần về thăm em. Lúc đó anh nói đi làm ở xa, cuối tuần mới về. Em thấy anh phải chạy gần 200 km chỉ để cuối tuần về với em nên thương anh nhiều hơn. Thật không ngờ anh quay về hàn gắn với chị, khi niềm tin đã đủ anh trở về với em như trước đây.

Em chủ động gọi điện cho chị, biết hết tất cả những gì anh làm. Khi đủ bình tĩnh, những chất chứa đã tan biến một cuộc nói chuyện với anh đã xảy ra. Anh thừa nhận tất cả, không phủ nhận bất cứ điều gì, nói cho anh thời gian một tháng để giải quyết. Một tháng sau dường như mọi chuyện tệ hơn, chị gọi điện cho em nhiều, chỉ muốn nói với em hôm nay anh về, quan tâm chị, nói gì với chị. Em mệt mỏi và đau lắm, chẳng lẽ em cũng làm vậy. Em tắt máy không nghe điện thoại, chị lại nhắn tin.

Nhiều khi anh không đi làm vẫn nói có, khi anh ở lại 1h đêm rồi về với chị. Em không quan tâm, tin vào tình cảm của anh. Nếu đêm hôm trước anh ở lại với em, đêm hôm sau chị bỏ nhà đi. Có hôm 1h khuya anh gọi điện cho em nói "Chị bỏ nhà đi rồi giờ anh phải làm sao"? Em gọi điện cho chị nói giữa anh và em không chỉ là hai người bạn bình thường". Em cũng lo lắm vì trước đây chị cũng bỏ nhà đi rồi bị tai nạn. Lời anh nói như nhát doa cứa vào tim em, vì tình yêu với anh, em đã gọi điện năn nỉ chị về. Đêm đó anh nghỉ làm, hai người đi chơi với nhau.

Em quyết định chia tay, anh níu kéo. Anh nói khi lạc vào em phải kéo anh ra. Từ trước Tết tới giờ không biết bao nhiêu chuyện xảy ra, bao nhiêu lần em rơi nước mắt, bao lần em phải chịu đựng. Đến khi cả ba người gặp mặt anh vừa hứa với em là không gặp chị nữa, vậy mà chưa đầy mấy tiếng đồng hồ niềm vui bị dập tắt khi đêm đó anh lại năn nỉ chị. Em cũng phải xem như chưa từng có chuyện gì.

Em cũng không biết mình nên làm gì, giờ có nói gì cũng vậy. Khi em mềm anh vẫn không thay đổi, em cứng một cuộc ly tan sẽ xảy ra. Chị cũng biết rõ anh yêu thương em, anh chọn em. Vì trước đây khi ba người gặp mặt anh đã nói đến với chị chỉ dìu dắt chị một đoạn nào đó rồi chị tự bước đi, còn để yêu thương và đi hết con đường này là em. Thực ra em cũng nói chuyện nhiều với chị, hiểu hoàn cảnh chị. Sinh ra thiếu thốn tình cảm của cha, lớn lên lập gia đình, có một đứa con, từng gãy đổ. Những lúc buồn chị thường đi uống rượu, anh lo sợ khi buông chị sẽ ngã.

Em mềm lòng với những gì anh nói, cũng tự hỏi nếu không yêu thương sao sống với nhau gần hai năm trời? Chị gần 30 tuổi, cũng bước ra đời, từng thất bại, từng vấp ngã, chẳng lẽ dễ buông xuôi đến vậy? Hay đó chỉ là cái cớ để anh tiếp tục lừa dối em và cũng là cách để chị níu chân anh?

Vì thời gian anh và em khác nhau, lúc anh ngủ em đi làm, lúc anh đi làm em ngủ. Thời gian dành cho nhau chỉ có mấy tiếng vào buổi tối, hơn nữa anh ở xa em gần 20km, cuối tuần em phải đi học nên không có nhiều thời gian quan tâm nhau. Chị có nhiều thời gian, lo cho anh từng bữa cơm. Nhiều khi em mất niềm tin vì điều đó, em nói anh hãy xem em như một người em gái, một người bạn, còn chị sẽ là vợ nhưng anh không chịu.

Trước Tết em đã ra ở riêng một mình, anh thường đi về. Anh xây dựng nơi đó như một căn nhà riêng của hai đứa, như để chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân. Em cũng muốn sống những ngày bình yên không phải suy nghĩ hay bận tâm tới. Em tin vào trực giác những lời anh nói với em là thật lòng. Có những lúc gợn lên, khi hình dung ra cảnh người mình yêu thương đang ôm ấp ai đó làm em đau đến thắt lòng.

Cứ mỗi lần nghĩ tới, trong em chỉ nghĩ đến việc chia tay, nước mắt trào dâng. Chia tay rồi có tìm được người tương đồng với mình nữa không, đến được với nhau đã khó, giữ được nhau còn khó hơn. Tìm được một người ở biển trời này phù hợp với mình đâu phải dễ, giờ tìm được em lại phải buông.

Em nặng tình với anh lắm, chị cũng vậy nữa, chẳng lẽ tình nghĩa hai năm bỏ là bỏ được sao. Nhiều lúc em ước mình chưa từng bước vào cuộc đời anh để không ai phải đau. Bây giờ trong em hỗn lộn những hạnh phúc lẫn tội lỗi. Em muốn thà có được là của riêng mình còn hơn có mà phải chia đôi.

Giờ đây em muốn bước đi, anh không cho em đi, anh nói nếu em không yêu thương anh nữa, không muốn anh về nữa, anh sẽ không về nhưng phải ở lại đây. Ở lại có một mình em, em lại ngóng trông anh về. Em không hiểu anh cần gì, muốn gì, phải chăng anh quá ích kỷ khi giữ hai người phụ nữ bên cạnh để thỏa mãn những yêu thương.

Em suy nghĩ nhiều rồi cũng vào ngõ cụt, khi quyết định lựa chọn nào dù đúng hay sai cũng phải bước đi, mang trong lòng một nỗi ân hận. Khi đến với em, anh từ bỏ tất cả những mối quan hệ trước đây, có không dưới một người yêu thương anh. Anh hạn chế tất cả những điều không cần thiết trong cuộc sống. Bây giờ chị còn lại chị nên em có tiếp tục tin chờ đợi anh không? Mong mọi người cho em một lời khuyên.
[Trẫm xem tiếp...]


Mặc cảm khi vợ là trụ cột kinh tế



Tôi thấy hổ thẹn với lòng mình, với vợ con vì làm chồng, làm cha mà không kiếm đủ tiền nuôi gia đình; bị tâm lý kiếm tiền ít nên áp lực. Tôi cũng cảm nhận được vợ đôi khi buồn về điều đó. Tôi được sinh ra trong một gia đình nề nếp và có học, bố mẹ ngày xưa là nông dân rồi sau đó được nhà nước cử đi học nước ngoài, vì thế việc dạy con cái rất cẩn thận. Tôi là một người con ngoan ngoãn, biết vâng lời, bố mẹ cũng không mất nhiều thời gian dạy dỗ, có lẽ theo gen của bố mẹ. Anh em tôi được ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định. Bố mẹ biết cách làm ăn nên mua được mấy miếng đất, nói chung tài chính gia đình không phải lo, cũng thuộc người có tiền. Tôi hiện giờ là thạc sỹ, làm trong cơ quan nhà nước, với đồng lương ít ỏi chỉ nuôi bản thân cũng đã khó. Bước sang tuổi 29, tôi lập gia đình với người vợ cùng tuổi. Vợ tôi là người con gái ngoan ngoãn, nết na, biết ứng xử, kiếm được tiền, làm trong ngành ngân hàng, hơn hẳn tôi. Tôi yêu cô ấy không phải vì tiền mà vì những đức tính đẹp đẽ như đã nói ở trên. Cô ấy biết tôi làm trong cơ quan nhà nước với số tiền "gần đủ sống", cả hai đến với nhau vì tình yêu. Gia đình vợ cũng là thuần nông, bố mẹ, anh chị em trong nhà rất thương yêu đùm bọc nhau. Vợ tôi lớn lên trong gia đình đông anh em, ngày xưa rất khổ, có lẽ thế mà các anh chị em trong nhà đều cố gắng, giờ ai cũng có kinh tế ổn định, gia đình, con cái ngoan hiền. Trong lòng tôi rất nể phục, tôi yêu quý họ và họ cũng rất quý tôi. Chúng tôi lấy nhau rồi có con ngay, giờ bé nhà tôi được gần 30 tháng. Từ khi có con, phải lo chi tiêu nhiều thứ, vợ chồng tôi vẫn tiết kiệm. Hầu như các phần tiêu dùng đó vợ tôi chi, tôi cũng thấy hổ thẹn với lòng mình, với vợ con vì làm chồng, làm cha mà không kiếm đủ tiền nuôi gia đình. Vợ tôi biết điều đó, thường xuyên động viên: "Anh đừng lo lắng về tài chính quá, em sẽ cố gắng lo, chỉ cần anh yêu thương vợ con là em vui rồi". Tôi yêu vợ thương con, vì tính chất nghề nghiệp làm nhà nước nên thời gian thoải mái hơn. Vợ làm ngân hàng, rất hiếm có thời gian, để kiếm được tiền nhiều cũng phải làm việc mệt nhọc và áp lực lắm. Tôi biết điều đó nên cố gắng giúp đỡ, an ủi vợ và chăm lo cho con gái. Việc con cái đi học, đưa đi đón về, ốm đau, tiêm phòng, tôi hầu như lo hết dù vợ rất muốn làm điều đó. Tôi cũng bảo với vợ: "Anh làm nhà nước, thời gian thoải mái, xin nghỉ cũng dễ, em cứ đi làm đi, không lại ảnh hưởng". Cơ quan vợ tôi nghỉ rất khó, bên cạnh đó chị trưởng phòng rất khó tính, vợ tôi làm phó phòng nhưng mọi việc đều đổ dồn lên đầu cô ấy, áp lực và căng thẳng vô cùng. Ở cơ quan và gia đình, mọi người thường trêu tôi là "người chồng nhân dân, người cha ưu tú" rồi "người đàn ông đảm đang". Tôi hạnh phúc khi làm được điều đó. Như trên đã nói, tôi bị tâm lý kiếm tiền ít nên áp lực, tôi nghĩ trong lòng là thế này mãi sao được. Tôi cũng cảm nhận được vợ đôi khi buồn về điều đó. Mẹ tôi hiểu và thương nên cũng cho chúng tôi tiền học cho con gái mỗi tháng hơn 2 triệu. Hiện giờ tôi đang cố gắng để kiếm tiền sao cho đúng nghĩa là người đàn ông trụ cột của gia đình. Tôi đang rất hoang mang, liệu mình có phải người chồng, người cha tốt? Xin cho tôi ý kiến. Chân thành cảm ơn.
[Trẫm xem tiếp...]


Nhiều lần muốn tự tử vì mất cái ngàn vàng



Trong tiềm thức của tôi, màng trinh quan trọng lắm. Tôi sợ khi ai đó biết mình không còn nữa, họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh thường. Lỡ họ làm tổn thương, ba mẹ tôi chắc sẽ chết mất. Trải qua mối tình thấm đẫm nước mắt cách đây 2 năm, tôi vẫn còn đau, không tự tin để bước tiếp. Tôi sợ những lời nói ngọt ngào của một chàng trai nào đó, sợ bị họ lừa dối làm vết thương 2 năm về trước đau thêm. Tôi luôn sống trong quá khứ, trong nỗi sợ hãi, nội tâm luôn dằn vặt. Ngày ấy tôi nhận lời yêu anh, ngây thơ và dại khờ lắm. Hạnh phúc ngập tràn, tôi cảm giác như ở thiên đường, từ bé đến lớn chưa có chàng trai nào yêu tôi nhiều như anh. Thời gian cứ trôi, một ngày do tai nạn trong lúc âu yếm, tôi bị rách màng trinh (không phải do quan hệ tình dục). Tôi rất hoang mang, lo lắng, do thiếu hiểu biết về tình dục tôi đã mắc những sai lầm liên tiếp. Tôi đã quan hệ với anh vì nghĩ rằng rách màng trinh rồi thì giờ có quan hệ hay không cũng như nhau. Ngày tháng tiếp theo tôi và anh vẫn hạnh phúc, 3 tháng sau anh nói lời chia tay. Tôi khóc không thành tiếng, không tin anh là người xấu, Sở Khanh. Với suy nghĩ tôi là người con gái anh yêu, sẽ không thể nào tôi nhìn nhầm anh được. Tôi cố gắng níu kéo, thời gian được một năm chúng tôi chia tay hẳn, sau một năm nữa anh lấy vợ. Tôi ôm nỗi đau đến giờ. Tôi luôn dằn vặt bản thân vì những suy nghĩ non nớt, thần tượng hóa tình yêu để rồi ôm nỗi đau suốt 2 năm, cứ nghĩ như mới hôm qua. Trong tiềm thức của tôi, màng trinh quan trọng lắm. Tôi sợ khi ai đó biết mình không còn nữa, họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh thường. Lỡ họ làm tổn thương, ba mẹ tôi chắc sẽ chết mất. Với ba mẹ, tôi luôn là đứa con gái ngoan hiền, đảm đang, là người chị cho đứa em noi theo. Không ngờ khi đi học đại học tôi lại để chuyện ấy xảy ra. Tôi luôn tự tin mình sẽ không bao giờ để mất cái đó. Suy nghĩ phong kiến nên lại càng đau khổ và dặn vặt bản thân mình hơn. Hiện giờ tôi đang là cô gái làm trong ngành CNTT, ngoài ra còn kinh doanh ngoài nữa. Cuộc sống cứ trôi, gánh nặng kinh tế gia đình, công việc áp lực, tôi lại tránh xa các mối quan hệ, thu mình trong vỏ bọc mạnh mẽ, chưa bao giờ tôi có một đêm không khóc kể từ ngày đó xảy ra. Tôi sợ mình sẽ gục ngã, sẽ tồn tại chứ không còn đúng nghĩa là sống nữa, chỉ muốn kiếm tiền, về nhà đóng chặt phòng mình lại và hồi ức chuyện đã qua. Tôi không thể thoát ra khỏi suy nghĩ đó được. Có phải tôi đang gặp vấn đề về tâm lý, tôi phải giải thoát cho bản thân bằng cách nào đây? Tôi luôn có ý định tự tử nhưng nghĩ về gia đình tôi lại thấy mình có lỗi rất nhiều, giờ tôi đau khổ lắm, không thể chia sẻ, không đủ tự tin để nói với ai nghe chuyện đã qua. Tôi sợ trong mắt bạn bè không còn là đứa bạn đoan chính, mạnh mẽ mà họ nhìn thấy hàng ngày nữa. Tôi mệt mỏi, bế tắc lắm, xin hãy giúp tôi.
[Trẫm xem tiếp...]


Điệp khúc tháng Tư




Giờ đã cuối tháng Tư. Nắng tinh nghịch nhảy nhót ngoài thềm. Gió mang chút hanh nồng thả lên những con đường dài hun hút.


Điệp khúc tháng Tư

Tháng Tư… Trong ký ức của ta không có những bông hoa loa kèn thanh khiết hay những đóa hướng dương vàng rực. Miền nhớ tuổi thơ ta chỉ có màu hoa xoan bình dị. Những đứa trẻ quê ngày ấy xúng xính kết hoa xoan chơi trò cô dâu chú rể. Vòng vương miện màu tím khiến con bé nhà quê bỗng chốc hóa thành thiên thần trong ánh mắt ngỡ ngàng của đám bạn. Trong giấc ngủ trưa, “cô dâu” vẫn đội vòng hoa và nằm mơ được ở trong cung điện ngọc ngà. Tỉnh dậy “cô dâu” còn lâng lâng với giấc mơ xa…
Tháng Tư… Giữa trưa, ta ngồi trên bậc cửa đợi má về sau buổi chợ đông. Có lúc không đủ kiên nhẫn, ta chân đất đầu trần chạy đến cuối làng dõi mắt tìm kiếm bóng dáng thân thương của má. Hồi ấy, ta chỉ chăm chăm lục tìm gói kẹo cau ngọt lịm từ đôi quang gánh nặng trĩu mà quên mất những giọt mồ hôi trên trán má đang rơi.
Tháng Tư… Rạo rực nhớ cái thời cắp sách. Lớp học đang yên ắng bỗng có tiếng ve vang lên từ xa như báo hiệu thời khắc chớm mùa. Lũ học trò ngơ ngác hỏi nhau: “Mới tháng Tư mà lũ ve đã sốt ruột vậy rồi ư?”.
Tháng Tư… Nhớ thoáng rung động tinh khôi khi vô tình biết có ánh mắt nhìn ta thật lâu. Nhớ lúc mới yêu, giữa nắng tháng Tư, anh hào hứng đạp xe cả chục cây số đón đưa. Lòng ta hân hoan khó tả.
Tháng Tư… Nhớ cả nỗi buồn của nhỏ bạn thân. Nhớ giọt nước mắt lăn dài trên má khi nhỏ chia tay mối tình đầu vụng dại. Nhỏ bảo là sẽ chờ người ấy, cho tới khi nào hết nhớ. Đến bây giờ, đã bao tháng Tư trôi qua, nhưng nỗi nhớ của nhỏ vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Tháng Tư… Cô em út bé nhỏ của ta lo lắng nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Lại nhớ một thời ta cũng hồi hộp, hoang mang. Ngày mai, em sẽ đặt chân đến một chốn phồn hoa đô hội nào đó. Rồi em cũng như ta, sau bao năm bon chen giữa bộn bề phố thị sẽ có phút giây khao khát được trở về quê ăn một bữa cơm nhà.
Tháng Tư đi rồi trở lại như một cái hẹn của đất trời, như một điệp khúc dịu dàng của tạo hóa. Nhưng không bao giờ ta gặp lại tháng Tư của ngày xưa cũ, có chăng chỉ là chút kỷ niệm về những ngày tháng Tư xa được níu lại, trân trọng, nâng niu.

[Trẫm xem tiếp...]


Nỗi đau trên dòng sông




 Không hiểu vì sao và từ bao giờ con sông này có tên là Hiền Lương? Có người bảo nó bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua làng Minh Lương ở hạ du nhưng vì kiêng tên húy của vua Minh Mạng nên gọi chệch là Hiền Lương, với ước vọng dòng sông hiền hòa tưới tắm cho mảnh đất quá khắc nghiệt vì thiên tai này.

Ai ngờ nó trở thành nỗi đau chia cắt suốt hơn hai mươi năm và không ít lần cuộn lên những cơn sóng dữ.

Lễ thượng cờ trên dòng Hiền Lương nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước.
Lễ thượng cờ trên dòng Hiền Lương nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước.

Hồi xưa ông Trân còn sống, gần đến ngày ba mươi tháng tư ông lại lọc cọc xe đạp, hương hoa, đồ lễ ra bờ sông viếng mộ bà, ông thường rủ tôi đi theo, khoái nhất là được ngồi xe đạp, mỗi lần đổ dốc trong người trào lên cảm giác nao nao ngờm ngợp…
Dọc đường ông thường rủ rỉ kể chuyện ngày xưa, những câu chuyện ông kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, hình như người già họ sợ cô đơn thì phải. Các cô chú con ông thoát ly đi làm xa, thi thoảng lễ, Tết họ mới về đáo qua nhà, vừa về là sà ngay vào bàn nhậu với đám bạn, đủ chuyện làm ăn, anh này vừa lên tám mốt đời chót anh kia mua nhà thị xã rồi, những chuyện buôn gian bán lận, chạy chức chạy quyền, độc ngôn ngữ dân chợ búa nên cụ không thích. Sợ các con mất vui cụ nén tiếng thở dài bỏ đi nằm. Ông cô độc trong căn nhà rộng thênh thang, thi thoảng có vài cụ trong tổ hưu đến uống trà, hút thuốc ông mừng lắm. Những lúc ấy cặp mắt ông sáng lên, những kỷ niệm hào hùng một thời trai trẻ như hiện về… Ngặt nỗi họ còn phải đi làm kiếm sống mấy ai được nhàn nhã như ông, lũ trẻ con chúng tôi trở thành người bạn tâm tình cho ông trút bầu tâm sự, chả hiểu gì chuyện người lớn nhưng chơi với ông thường được ông cho kẹo, toàn kẹo ngon…
Ra đến mộ tôi giúp ông đốt nhang, hóa vàng nhìn ông khấn vái chờ phá cỗ. Không hiểu ông khấn vái kiểu gì mà lâu thế? Hình như bao nỗi buồn vui trần thế ông dành hết ra tâm sự với bà. Dưới nắng Hè nhìn mấy cái bánh như tan chảy mà tứa nước bọt.
Ông kể, ngày xưa, chỗ bà đang nằm đây là những rặng tre râm mát, có bến đò qua sông nhưng từ khi Mỹ - Diệm lập bốt cảnh sát đầu cầu giới tuyến bến đò chìm dần vào quên lãng, rặng tre chỉ còn là chỗ cho bọn trẻ con chơi bi, đánh đáo, chiều về tất thảy bà con tụ tập về vừa hóng gió vừa nghe Đài truyền thanh giới tuyến bên bờ Bắc phát tin chiến sự, vui lắm! Một không khí bình yên hiếm hoi ở bờ Nam sông Bến Hải trong những ngày bọn địch tố Cộng tàn khốc…
Năm sáu tư Gio An giải phóng, sự kiện làm nức lòng quân dân cả nước. Hệ thống chính quyền của địch sụp đổ đã tạo điều kiện cho đồng bào giới tuyến đứng lên đấu tranh phá ấp, diệt kìm. Địch ra sức xây dựng và củng cố các Chi khu quân sự, hệ thống trại tập trung từ Tân Tường đến Quán Ngang, sử dụng hệ thống hỏa lực cực mạnh như bom xăng, bom napan, pháo hạm từ Hạm đội 7 hủy diệt một cách tàn bạo và dã man khu bờ Nam, dồn dân vào trại tập trung với mưu đồ “tát nước bắt cá”. Năm sáu bảy trung ương có lệnh sơ tán đồng bào vùng giới tuyến ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa.
Ông ngừng kể, cặp mắt đỏ hoe nhoen nước, những nếp nhăn trên gương mặt già nua khắc khổ như xô lại, ký ức buồn của một thời hiện về: Đó là một ngày hè oi ả, không khí sực một mùi thuốc súng. Cả đoàn người chờ suốt đêm để vượt sông nhưng người chèo đò đã bị bom chết, gần sáng thì có lệnh vượt sông, cả đoàn người bì bõm đến giữa dòng thì AD6 và trực thăng ập đến, những loạt đạn rốc két, mười bốn ly năm xả xuống mặt sông như vãi cát. Tiếng kêu la thảm thiết của đoàn người bất hạnh xen giữa tiếng gào thét của bầy ác thú giặc trời… Dòng sông như nghẽn lại, xác người la liệt, con sông hiền hòa giờ như con quái vật cuộn lên những cơn sóng dữ, những cánh tay chới với trong vô vọng, mặt sông giãn ra rộng ngoác…
Chôn cất bà xong ông phải nuốt nước mắt vào trong quay về bám trụ chiến đấu, tiếng là vợ chồng nhưng đâu đã trọn một ngày, ông đi biền biệt. Giờ đây cuộc sống đã yên hàn, tương đối đầy đủ về vật chất ông thấy thương bà vô hạn, mỗi năm dù bận bịu đến mấy ông cũng phải ra viếng mộ bà ba lần, ngày bà mất, ngày Tết và ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…
Ông cụ Trân đã đi xa, ở cõi vĩnh hằng chắc ông bà đã được đoàn tụ. Thăm lại bến sông xưa bỗng nhớ ông quá đỗi. Mùa này nước cạn nên dòng sông chỉ phẳng lặng, lượn lờ như cái tên Hiền Lương của nó. Xa xa lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh kỳ đài giữa chiều Hè lộng gió, yên ả, thanh bình quá. Cũng phải thôi, dòng sông nuốt trọn vào lòng nỗi đau giằng xé của dân tộc, cuốn phăng ra biển cả những tham vọng cường quyền thì cuộc sống lại thanh bình như vốn dĩ đã có. Nhưng cái giá của hòa bình sao đắt và đau thương thế, hình như mỗi tấc đất mình đang đứng đều thấm đẫm máu đào của bao thế hệ. Lại tự cười mình bỗng dưng nhớ chuyện đâu đâu….

[Trẫm xem tiếp...]


Cơm cháy




Trong ý niệm của những đứa trẻ thời @, cơm cháy là một món xa lạ. Có khi nó lại là một món ăn tiêu khiển, cũng như khoai luộc, bắp rang… ăn để mà giải trí.

Đã có một thời cái đói bao quanh từng gốc tre, mái nhà. Cơm cháy của nhà nhà là thứ bòn mót dưới đáy nồi khi bụng chưa đầy vì gạo thiếu. Không đến nỗi phải như Trạng Nồi nhờ cơm cháy của hàng xóm mà làm nên công danh, sự nghiệp, nhưng với gia đình tôi, cơm cháy đã để lại trong ký ức như một vết sẹo. Đó là những miếng cơm cháy chấm nước kho cá ngừ, vừa ăn vừa sợ hết. Ngon lạ!

Cơm cháy


Ngày xưa nhà nhà nấu cơm bằng nồi đồng. Cái nồi bây giờ đã đưa vào viện bảo tàng cả rồi. Ở nông thôn bây giờ tìm nó cũng hiếm như tìm cây đèn mangxong hay chiếc ghiđông đựng nước uống vậy. Tôi nhớ gạo lúc đó “bữa đực, bữa cái” - như cách gọi của người Quảng Trị. Thiếu ăn là cái hiển nhiên của cả làng, riêng gì từng nhà đâu. Mỗi lần mẹ bắc cái nồi đồng lên chiếc bếp nhen bằng lửa rơm khói đèn xì là cả mấy anh em bu quanh. Nghe cơm sôi sùng sục mà thèm. Mùi gạo mới thơm như sữa. Lúc cơm bắt đầu khô nước, mẹ tôi thể nào cũng chắt nửa chén nước cơm, thổi nguội mớm cho thằng út. Đó là thứ sữa duy nhất mà đám trẻ cùng lứa như tôi có được để lớn. Thằng út chắp chắp từng thìa “sữa” thơm lừng còn tôi thì ngồi nuốt nước bọt. Ước chi mình còn nhỏ bằng nó, được mẹ bón sữa non của gạo. Vì cái dạ dày sôi sùng sục và ý nghĩ trẻ con mà tôi có một điều ước rất ngược đời, ngược với mấy anh thanh niên chưa đủ tuổi đi bộ đội, đêm nào ngắm pháo dội ở bên kia sông Thạch Hãn đều mong mình lớn nhanh, đủ tuổi để ra chiến trường. Họ cũng lớn lên bằng nước gạo - sữa cơm, cũng cơm cháy với nước kho cá ngừ cả. Mẹ tôi quả quyết như thế khi thấy bộ đội hành quân qua làng tầng tầng lớp lớp.
Cơm cháy mẹ nấu bằng lửa rơm thật tuyệt. Mà phải cơm được nấu bằng nồi đồng mới đúng điệu của nó. Giờ mấy đứa mới lớn bảo đi ăn cơm cháy ở nhà hàng hay lâu lâu thích miếng cơm cháy dưới đáy xoong thì đó là thứ cơm thời cơ chế thị trường hay cơm cháy công nghiệp rồi. Nhưng ai lại ngồi với nhau mà ước một miếng cơm cháy thời bao cấp thì đúng là người hoài cổ.
Nhắc đến cơm cháy lại nhớ đến món cơm tráng. Dân Quảng Trị còn gọi là cơm tra. Món này được mẹ chế biến khi hết thức ăn: Bỏ cơm vào cái nồi đã kho cá hay rim thịt, trộn đều rồi ăn. Cơm từ trắng tinh chuyển sang vàng hươm, trông thật bắt mắt. Đây là món ăn mặn mòi đủ hương đủ vị mà ai cũng thích. Một thời người ta gọi là món của dân nhà nghèo khi đủ gạo mà không mua nổi thức ăn.
Nước chắt gạo, cơm cháy, cơm tráng một thời nuôi lớn nhiều thế hệ chưa biết đến sữa, chưa biết nhà hàng, chưa biết ăn kiểu giải trí mà chỉ lo cho đầy cái bụng - giờ quá hiếm. Đôi lúc muốn chắt nửa chén nước cơm khi cái nồi cơm điện sôi sùng sục, bỏ vào tý muối hoặc đường để uống hoặc bỏ chén cơm trắng vào tráng nồi… nhưng rồi ngại. Tự nhiên thấy mình đi lùi với thời gian vài chục năm, đi lùi với cuộc sống bằng nửa tuổi đời.
Rồi đây muốn tìm lại chính mình trong từng “miếng ăn” cũng khó. Những cái nghèo nàn được bỏ đi hết, thay vào đó là sự văn minh, tân tiến mà ngay cả mình đang sống sờ sờ vẫn không hết kinh ngạc, phủ nhận.
[Trẫm xem tiếp...]


Sẹo




Một đồng nghiệp của tôi vừa đi xăm mình về khoe. Nó bảo đấy là dấu tích sau cuộc tình gần mười năm. Mười năm chẳng còn gì, chỉ còn lại hình xăm ở bắp tay. Đó là hình trái tim bị một mũi tên xuyên thủng, rỉ máu như chính cuộc tình thực tại của nó.

Tôi chẳng thích cho lắm những thứ đại loại như thế. Nhìn giới nghệ sỹ vẽ rồng vẽ phượng quanh người, tay chân thấy mà ớn. Con người hiện đại đã mang nhiều thứ trang sức quanh người, giờ lại bắt “da thịt” mang theo một thông điệp mà chẳng bao giờ ai hiểu!
Ngày xưa ở làng có câu chuyện hai anh em thất lạc mấy chục năm. Họ gặp lại nhau tình cờ và nhận ra ruột thịt của nhau cũng tình cờ ở một địa chỉ rất xa với quê quán. Bằng chứng máu mủ giữa họ là một vết sẹo trên trán người em. Mấy chục năm trước người anh cầm cuốc ra vườn vỡ đất tìm giun để hai anh em đi câu cá. Đang loay hoay cuốc thì người em nhảy vào bắt. Một vết sẹo hình bán nguyệt nằm trên trán là dấu hiệu nhận dạng để đoàn tụ âu cũng là số phận an bài.
Ở quê tôi hầu hết con gái dù đẹp xấu, học hành đỗ đạt hay bỏ dở lưng chừng đều có một điểm chung là bị sẹo ở tay. Người thuận tay phải thì sẹo thường nằm ở tay trái và ngược lại. Vết sẹo nằm ở mu bàn tay, ở ngón chỉ hay ngón cái. 
Sẹo

Nhà nông quanh năm lúa, khoai. Nhà nào cũng tăng gia sản xuất, nuôi thêm lợn, thêm gà cho bớt cực. Những cô gái bàn tay trắng ngần ngồi thái thân chuối hay rau lang cho lợn ăn trở thành một hình ảnh quen thuộc của nhà nông. Rồi vội vã thế nào bị dao cứa vào tay. Vết này lành rồi đến vết thương khác, cứ thế chồng lên nhau theo thời gian cho đến khi rời khỏi làng. Cho đến khi con dao mỏng tang, không mài được nữa. Tôi thường nhớ về làng qua từng vết sẹo của mạ, của chị tôi. Hay chợt cười đau xót khi nhớ hình ảnh mấy cô thôn nữ trong tiệc cưới ở quê. Đôi tất trắng che đi những đôi chân đen sì, chỗ tất không phủ hết để lộ những vết sẹo. Đó là kết quả của những ngày lội dưới đầm, hồ bắt ốc bị đỉa đeo.
Những vết sẹo của thời nhọc nhằn giờ có khi theo họ đi khắp đất nước. Có những bàn tay sẹo rê chuột máy tính trong căn phòng máy lạnh; có những bàn tay đầy sẹo giờ ký những dự án lớn, quyết định những công trình mang tầm cỡ quốc gia; có những bàn tay sẹo chìa ra để bắt tay với bạn bè thế giới và họ chẳng bao giờ giấu đi vết sẹo ấy. Họ tự hào nói rằng đây là vết sẹo trần ai của tôi. Có vết sẹo này tôi mới có ngày hôm nay.
Ở thành phố. Chiều, khi nắng dịu. Đám thanh niên đèo nhau trên xe, ăn vận kiểu nửa vời, thiếu vải để lộ những hình xăm, những vết sẹo tự tạo. Họ muốn tạo ra sự khác biệt bằng thứ cá biệt. Những ký tự ở bắp tay, cẳng chân tôi chả hiểu gì. Có từ đọc được thì chẳng nào cắt nghĩa được. Đại loại “Về đâu”; “Ơn cha, nghĩa mẹ”. “Đền ơn”... Và họ đã đền ơn bậc sinh thành dưỡng dục bằng những hành động như vậy! Một đứa trẻ bán vé số, lượm ve chai tìm cơm từng bữa, cuộc sống bấp bênh vô thường thế mà cũng chưa hỏi mình, hỏi bạn: “về đâu”!
Sau mỗi vết thương làm con người ta lớn thêm, chín chắn hơn. Như bạn tôi sau một cuộc tình ấy cũng trưởng thành hơn. Và khi những vết thương ấy trở thành sẹo, nghĩ về nó ta thấy bao dung hơn, dũng cảm hơn mà sống.
Chẳng ai khắng định mình không có sẹo. Vết sẹo trong tầm hồn làm cuộc sống rộng mở thêm.

[Trẫm xem tiếp...]


Chuyện ngày xưa




Lâu lắm rồi mới về quê, vừa về đến đầu làng, bà Tư nhìn thấy đã hỏi: A, cái thằng cu nhớn nhà ông Thịnh đã về đấy hả con? Ngày xưa mày bé như cái kẹo mà giờ ra dáng quá rồi đấy!

Tính ra cũng phải hơn 1 năm rồi An mới về thăm quê phần vì công việc phải liên tục luân chuyển chỗ này, chỗ kia, phần cũng vì biết bố mẹ ở nhà vẫn ổn nên cứ mải miết với cuộc sống ở thành phố. Lần này về vì An không thể đừng được việc cưới xin của cô em gái đã ngót nghét 30 mới có kẻ chịu rước.
Vừa dừng ô tô, mấy ông bà trong xóm đang ngồi cùng nhau dưới gốc cây bàng to nhìn thấy đã gọi trước: A thằng cu nhớn đã về, lâu rồi không trông thấy, bây giờ đang ở đâu rồi con? Vợ, con con có khỏe không? Bà Tư chưa dứt lời thì ông Thịnh ngồi kế bên đã thêm vào ngay: “Cái thằng ku nhớn nổi tiếng vì cái tật cởi truồng, đeo hai nải chuối, chân dậm ga giả vờ đi xe máy đấy hử?”. Từ lâu mắt ông Thịnh kém không nhìn thấy gì nên khi nhắc đến thằng cháu hàng xóm là ông phải hỏi ngay “kỉ niệm” của An từ ngày còn nhỏ.
 
Chuyện ngày xưa
Cứ thế câu chuyện trở nên ríu rít, ai cũng thi nhau kể chuyện: “Ngày xưa” nó thế này, thế kia khiến An vừa ngại lại vừa vui. Không còn nhớ rõ tất cả nhưng một vài “chiến tích” của cậu từ ngày còn bé bỗng ồ ạt dội về làm cậu nhớ.
Ở nhà, các chú, dì thấy An về cũng mừng quỳnh vì lâu lắm không nhìn thấy thằng cháu quý tử. Trong bữa cơm gia đình, đang nhâm nhi chén rượu, chú Ba sực nhớ ra: “Cái thằng cu nhớn ngày nó 4 tuổi cứ thích ngồi lòng chú mỗi khi đại gia đình sum họp. Rồi có lần nó bắt chước uống rượu, mắt đỏ tía tai nhìn đến là buồn cười”. Nói rồi chú cười ha hả như khoái chí lắm làm cả nhà cũng nghiêng ngả theo.
Chưa hết, đến dì Lan cũng góp vui bằng kỉ niệm: “Thằng cu nhớn ngày học lớp 2 nó thích con bé Hạnh làng bên rồi về khoa inh ỏi với cả nhà”. Biết bao nhiêu chuyện, mọi người ăn thì ít mà thi nhau kể chuyện là nhiều khiến An như quay lại tuổi thơ của mình cách đây gần 30 năm. Hiện tại cậu đã có vợ và một nhóc nhưng về quê trong mắt mọi người An vẫn là “thằng cu nhớn” như ngày xưa.
Bà Thịnh mẹ An thì cứ nhớ mãi: “Ngày đẻ nó, miệng nó bé như cái đồng xu, tôi cứ sợ nó không bú được nữa, rồi càng lớn miệng mới to ra được ít” làm mọi người lại được dịp trêu đứa cháu. Với mọi người, dường như An chưa bao giờ lớn và những kỉ niệm về đứa cậu vẫn còn vẹn nguyện bởi hai chữ “ngày xưa”.
Bữa cơm kéo dài hơn thường ngày, ai cũng hào hứng khoe chuyện khi nhớ ra điều gì đó hay ho, riêng An, mắt cậu trở nên cay cay và phải kìm chế lắm mới không khóc. Bây giờ cậu mới nhận ra hình như đã lâu lắm rồi mình không về thăm quê và sự có mặt của cậu khiến mọi người vui như thế nào. “Chuyện ngày xưa” mọi người kể, không đơn thuần chỉ là có cậu mà còn là biết bao tình cảm yêu thương của mọi người dành cho mà bấy lâu nay cậu không để ý.
[Trẫm xem tiếp...]


Bài học nấu ăn




 Đã đến lúc phải học hỏi bí kíp gia đình. Những điều đặc biệt sẽ chẳng bao giờ được ghi lại trên giấy hay dù chỉ là truyền miệng. Sự im lặng này cần được phá bỏ và tôi sẽ dồn mọi can đảm để tiếp cận mẹ.

Tôi 19 tuổi, đã đính hôn. Là chị cả lớn nhất trong 3 chị em gái, tôi sẽ là người đầu tiên rời tổ. Tuy nhiên, tôi sẽ không ra đi khi chưa biết được những điều bí truyền. Vậy nên tôi ngồi xuống cạnh mẹ, hít một hơi thật sâu và thốt lên, “Con muốn học công thức nấu nước sốt spaghetti của mẹ”.
Vậy đó, những lời nói đã được thốt ra. Nhưng điều kinh khủng nhất vẫn chưa tới. Tôi sợ lời đáp của mẹ vì tôi biết bà sẽ nói gì. “Chẳng có công thức gì đâu. Nó ở trong đầu mẹ thôi”.
Chúng tôi chọn một ngày để truyền đạt bí kíp: tối thứ năm. Mặc dù sự kiện này chẳng ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia, nhưng chắc chắn nó rất quan trọng trong thế giới của tôi. Món nước sốt làm sẵn không xứng đáng với tình yêu của đời tôi. Anh ấy rất đặc biệt và điều đó có nghĩa, anh ấy xứng đáng được hưởng những bữa ăn đặc biệt - những bữa ăn nấu ở nhà - với các nguyên liệu như món nước sốt nổi danh thế giới của mẹ. Đây là sự kiện đáng để tôi gạt bỏ mọi kế hoạch và tiếp cận mẹ.
Bài học nấu ăn

Tôi ước gì nó chỉ đơn giản là chuyện quan sát mẹ trong khi bà nấu nướng. Mẹ là người đầu bếp tài giỏi nhưng không thích có kẻ dính mũi vào việc của bà trong bếp. Mẹ thích ở đó một mình hơn và những đứa con gái chúng tôi hiểu rõ rằng tốt hơn là đừng làm phiền trong khi bà giải quyết việc bếp núc. Ngay cả cha tôi cũng lảng đi khi bà đang làm việc. Kế hoạch của tôi là ngồi trong bếp và ghi chép cẩn thận từng bước một khi bà chuẩn bị cho món nước sốt, và điều đó cũng giống như việc dấn thân vào vùng nước nguy hiểm chưa từng được khám phá.
Ngày thứ 5 đã tới trong tâm trạng đề phòng gia tăng. Tôi vội vã rời nơi làm việc về nhà, nhanh chóng thay đồ và ngồi trên chiếc bàn trong bếp với tập giấy và chiếc bút. “Mẹ đừng lo. Con sẽ không làm vướng chân mẹ đâu. Thậm chí mẹ sẽ không biết có con ở đây nữa cơ”.
Mẹ nhìn tôi ý nói, “Tôi đã biết cô ở đấy rồi mà”. Mẹ đặt chiếc nồi không lên bếp lò và bắt đầu thái hành. Tôi quan sát và hỏi câu đầu tiên: “Hành đó to thế nào hả mẹ?”
“Ý con là gì cơ, to thế nào hả? Nó là hành mà”.
Mẹ đang quay lưng về phía tôi nhưng tôi chắc bà đang nhướng mắt lên.
“Con biết đó là hành, nhưng nó là hành nhỏ, trung bình hay cỡ lớn?”
Mẹ thở dài: “Ta bảo đó là hành cỡ trung bình”.
Tôi ghi xuống: một ít hành cỡ trung bình, thái miếng xinh xắn.
Thế rồi bà lại với lấy củ tỏi, gỡ ra vài tép và nghiền nát chúng.
“Mẹ cho bao nhiêu tép?”
“Hai… trừ khi chúng nhỏ, còn không con chỉ cần 1 tép thôi”.
Tôi viết y hệt như thế xuống giấy.
Mẹ đổ một ít dầu ô liu vào nồi, rồi thêm hành, thêm tỏi.
“Mẹ chờ đã nào! Mẹ dùng bao nhiêu dầu ăn thế?”
“Mẹ không biết. Đủ dùng cho nồi sốt thôi”.
Tôi phớt lờ vẻ bực bội đang dâng lên trong lời nói của bà. “Vâng, nhưng mà là bao nhiêu ạ?”
“Điều đó phụ thuộc vào cỡ cái nồi. Miễn sao đủ để phủ toàn bộ đáy xoong thôi. Con phải tự ước lượng”.
Tôi không muốn phải ước lượng. Tôi muốn có một công thức mà.
Mẹ trút một hộp cà chua nghiền vào hỗn hợp trong nồi. Sau đó mẹ thêm hỗ hợp đó với hành.
Tôi cầm cái hộp rỗng và ghi lại kích cỡ. “Nhưng sao mẹ lại mất công trộn cà chua đã xay nhuyễn nhỉ?”
“Bởi vì đó là cách mẹ làm. Con ở đây để dạy mẹ nấu nước sốt hay để học đây?”
Rồi mẹ đổ từng phần súp cà chua, nước sốt cà chua và bột cà chua vào hỗn hợp. Tôi ghi lại cỡ của từng hộp rỗng sau khi bà đổ xong.
Trong khi tôi viết, mẹ lấy ra một bó mùi tây và bắt đầu thái. Bốc một nắm mùi tây đã thái, bà rắc nó lên hỗn hợp.
“Mẹ chờ đã! Tôi nhảy lên và nắm cổ tay bà. “Mẹ đã cho vào cà chua bao nhiêu mùi tây thế ạ?”
“Một nắm”.
“Nhưng mẹ ơi, một nắm là bao nhiêu chứ? Bàn tay mẹ nhỏ hơn tay con mà!”
Tôi cầm một cái muỗng đo lường và trút số mùi tây của bà vào đó, ghi lại số lượng. Sau khi trộn mùi tây và cà chua, bà đổ hỗn hợp đó vào nồi. Tôi có thể nghe thấy bà bắt đầu lầm bầm gì đó, nhưng thật may dường như mọi chuyện cũng sắp kết thúc. “Mẹ ơi con quên chưa hỏi. Mẹ sẽ nấu hành trong bao lâu trước khi thêm những thứ khác vào?”
“Khi dầu bắt đầu nổi tăm, giữ sôi trong khoảng 5 phút”.
Rồi bà đổ một ít bột bạc hà vào lòng bàn tay rồi tới bên bếp lò, một lần nữa tôi ngăn bà lại. Tôi cẩn thận đổ toàn bộ số bột trên tay mẹ vào chiếc thìa đo lường. “Á à, chỉ là một thìa cà phê”. Tôi chạy lại tập giấy và ghi xuống.
“Vậy đó. Đun sôi tất cả mọi thứ trong khoảng 1 giờ đồng hồ”.
“Vâng… nhưng mẹ ơi? Đây là lần thứ hai mẹ nói “đun sôi”. Chính xác nó có nghĩa là gì ạ?”
Mẹ cố kiềm chế trước khi trả lời. “Nó có nghĩa đun với ngọn lửa nhỏ”.
Nồi nước sốt đang sôi lên và mẹ cũng vậy.
Tôi chờ một lúc rồi mới mạo muội hỏi nốt câu cuối cùng. “Chúng ta xong rồi hả mẹ?”
“Phải, xong rồi. Bây giờ cứ đun - để sôi - trong một giờ đồng hồ. Sẽ chẳng còn gì để con ghi chép nữa đâu, vì thế xin con ra khỏi bếp trước khi làm mẹ phát điên lên”.
Một giờ sau đó, tất cả chúng tôi ngồi vào bàn ăn tối. Em gái tôi là người đầu tiên phát biểu ý kiến. “Mẹ? Món sốt hôm nay không ngon như mọi lần mẹ làm. Mẹ đã nấu kiểu khác ạ?”
“Tất nhiên là không rồi. Nó có đủ những thành phần mẹ vẫn thường làm mà, à chờ chút nào”. Mẹ làm bộ nhăn nhó rồi nhìn tôi cái nhìn đầy ngụ ý. “Mẹ quên đường… và muối và hạt tiêu nữa”.
Cả nhà phá lên cười còn tôi thì muốn ngồi lọt thỏm xuống ghế.
Tôi đã học được bài học quan trọng hôm đó: Một loạt hướng dẫn tuần tự từng bước cho việc chuẩn bị các nguyên liệu bạn quên mua, trong những dụng cụ nấu ăn bạn không có, sẽ làm nên món ăn mà đến chú cún cũng chẳng muốn xơi.
Giờ đây chúng tôi đã lấy nhau được hơn 30 năm, và người chồng rất đặc biệt của tôi luôn được phục vụ món nước sốt spaghetti đặc biệt nhất.
[Trẫm xem tiếp...]


 

Danh Mục

Total Pageviews

Phi lên đầu Bản quyền © 2012 | Đọc Để Cười| Nội dung bài viết từ nguồn khác