Người ta vẫn ví sự nghiệp như quả bóng cao su, lỡ rơi xuống đất vẫn không vỡ, vẫn có thể tiếp tục tung hứng. Còn gia đình như quả bóng thủy tinh...
Tuổi thọ hôn nhân ngày càng ngắn, phải chăng là do quả bóng thủy tinh thời hiện đại mỏng hơn, giòn hơn? Nhiều phụ nữ đã sớm cất đi quả bóng cao su, hy sinh cơ hội phát triển sự nghiệp, dồn hết tâm sức nâng niu quả bóng thủy tinh của đời mình nhưng liệu có giữ được một mái ấm bền vững?
Mất tất cả
Khi thấy chị bước hụt chân ở cầu thang tòa án, bà luật sư chạy đến đỡ, mới thấy mắt chị đã ràn rụa tự bao giờ. Òa khóc như một đứa trẻ lạc mẹ, chị hỏi: “Cô luật sư ơi, tôi có quyền kháng cáo không? Xa con gái làm sao tôi sống nổi?”. Bà luật sư lặng lẽ nhìn chị. Trước khi ra tòa, dù ít hy vọng thắng kiện, nhưng khi phiên xử kết thúc, bà vẫn không ngăn được cảm giác xót xa...
Chị vừa thua trong vụ xử ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con với chồng. Khi tòa hỏi về điều kiện nuôi đứa con gái duy nhất, chị thành thật trình bày: “Từ khi sinh con, tôi chỉ làm nội trợ. Con tôi mắc chứng hen suyễn, rất yếu ớt nên nhiều năm rồi, tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Không ai hiểu và chăm sóc nó tốt bằng tôi. Chồng tôi ngày đi làm, tối chơi bời, nhậu nhẹt, không quan tâm gì đến con”. Chị mong được trực tiếp nuôi con, đề nghị chồng cấp dưỡng; chồng chị thì cương quyết bắt con. Trước tòa, anh ta oang oang khoe khả năng tài chính của mình, với mức lương mỗi tháng gần 20 triệu đồng, cơ ngơi đang ở là căn nhà lầu ba tầng do cha mẹ anh cho riêng. Với những điều kiện anh ta đang có, kế hoạch sau ly hôn sẽ cầm tấm bằng cử nhân trở về quê tìm việc làm của chị chỉ như “trứng chọi đá”.
Cũng từng chua chát vì thua kiện, “mất” con, nhưng khi đã được đoàn tụ cùng con, chị Kim Yến (phụ bán hàng ăn ở Q.5, TP.HCM) lại lao đao, khổ sở. Chị ly hôn vào đầu năm 2013, tòa xử giao cả hai con trai cho chồng chị nuôi. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã gửi hai con về quê nội ở miền Trung để rảnh tay lo cho việc sinh nở của cô bồ. Nhớ nhà, không thích nghi được cảnh sống mới, chính hai đứa trẻ đã tự đón xe đò, tìm về với mẹ. Chị Yến nhói lòng nhớ lại buổi chiều hai con tìm đến mình với bộ dạng nhếch nhác, bụng đói meo. Con trở về vừa là niềm vui, vừa là gánh lo vì chị đang ở nhà thuê, công việc tạm bợ, thu nhập bấp bênh. Mấy tháng nay, chị phải vay mượn người thân để lo nuôi con ăn học. Ngày bốn lượt đưa rước con đến trường, ảnh hưởng đến việc phụ bán hàng ăn, khiến chị đang có nguy cơ bị chủ cho thôi việc. Bàn với chồng cũ chuyện cấp dưỡng cho con, chị càng bẽ bàng, oán giận. Chồng cũ cho là chị đã rước con về thì tự lo liệu, không được yêu sách. Vả lại, giờ anh đã có thêm con nên không… dư tiền! Nếu có nộp đơn xin thay đổi quyền nuôi con và tòa bắt chồng cũ cấp dưỡng thì hành trình thi hành án cũng gian nan, trầy trật bởi thói ích kỷ, “sống chết mặc bây” của anh. Thực ra, chị từng tốt nghiệp trung cấp nhưng tấm bằng đã mốc meo vì những năm tháng chuyên tâm làm người phụ nữ của gia đình; trong lúc bạn bè chị đã leo lên những vị trí cao trong xã hội. Khi mất chỗ dựa kinh tế là người chồng, chị vất vả với nhiều nghề lao động phổ thông mà thiếu vẫn thiếu.
Giá trị của hy sinh
Khi ly hôn, gia đình tan vỡ, người phụ nữ của gia đình thường hụt hẫng, chới với như kẻ đi buôn mất vốn, không còn chỗ bấu víu cả về vật chất lẫn tinh thần. Dù có thể có bằng cấp nhưng do thiếu kinh nghiệm, hạn chế giao tiếp xã hội, họ bắt đầu lập nghiệp ở tuổi “vào hạ” rất khó, tự lo cho bản thân còn vất vả, huống gì phải đèo thêm các con. Trường hợp may mắn là khi người chồng cũ đón con về nuôi dạy bằng tình thương, trách nhiệm. Còn lại, một bộ phận không nhỏ các ông vì sĩ diện, vì muốn “trừng phạt” vợ nên giành con rồi bỏ phế. Khi đó, người phụ nữ dẫu thất vọng, xót xa nhưng đành chịu vì yếu thế.
Luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 TP.HCM) đúc kết: “Lép vế, thất thế… là tình trạng khó tránh khỏi khi bà nội trợ ly hôn. Nếu người phụ nữ có học thức, có nhiều cơ hội nghề nghiệp thì đừng bao giờ quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc chồng con. Nếu con đau ốm, vợ chồng nên phân công, sắp xếp, mỗi người luân phiên xin nghỉ phép để chăm con. Cũng có thể nhờ dịch vụ hoặc họ hàng trợ giúp”. Theo luật sư Hoài Vân, bức tranh gia đình với chồng bôn ba kiếm tiền, vợ lo con cái, nhà cửa… có vẻ rất ổn, nhưng nó chỉ ổn khi quan hệ hôn nhân êm đẹp, còn khi phát sinh mâu thuẫn, đổ vỡ thì người vợ sống phụ thuộc vào chồng luôn thiệt thòi, tổn thương. Hai bi kịch họ thường phải nhận lãnh là chồng tẩu tán tài sản còn họ thì không giành được quyền nuôi con.
Tính già hóa non, để khỏi tốn tiền thuê người giúp việc, chị Hà Thu (Q.4, TP.HCM) từng tình nguyện ở nhà chăm sóc con nhỏ và mẹ chồng bị tai biến liệt nửa người. Lúc đầu, hai vợ chồng đều tiếc rẻ công việc đồ họa ở công ty quảng cáo rất ổn định và phù hợp của chị, nhưng cỗ máy gia đình rồi cũng chạy tốt bởi chị khá đảm đang. Vài năm sau, chị Thu bắt đầu nhận thấy bất ổn. Chồng chị ngày càng gần với sự thờ ơ, phó mặc, khoán trắng việc “xây tổ ấm” cho vợ, không còn trân trọng sự hy sinh của vợ mà còn tỏ thái độ coi thường. Hằng ngày làm những công việc lặp đi lặp lại, chị dần trở nên cũ kỹ, mất sức hút và nhàm chán trong mắt chồng; hai tâm hồn đã không còn đồng điệu như trước.
Ngày bắt được tin nhắn mùi mẫn của chồng với cô đồng nghiệp trẻ, chị không đánh ghen mà nén chặt nỗi đau, âm thầm lập kế hoạch tách khỏi cái bóng của chồng. Chị đề nghị chồng chia sẻ trách nhiệm trong việc thuê người nuôi mẹ và gửi con vào nhà trẻ để đi làm. Dù không cứu vãn được gia đình nhưng quan trọng là chị đã giành được quyền nuôi con sau khi chia tay ông chồng trăng hoa, tệ bạc.
Sự hy sinh của người phụ nữ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu đem lại những giá trị tích cực. Nếu tận tụy cho gia đình mà kết cục là người chồng trở nên vô trách nhiệm, bỏ lơ vợ con, chạy theo dục vọng ích kỷ; những đứa trẻ phải sống bơ vơ, mất hơi ấm tình thương thì sự tận tụy ấy chỉ là vô ích. Là người mẹ, người vợ, người phụ nữ luôn có nhu cầu hy sinh nhưng phải có tầm nhìn và quyết định sáng suốt để không phải chịu “thiệt thòi kép”, không hụt chân khi bị thảy ra giữa dòng đời.
Nhận xét
0 Nhận xét cho bài "Thất thế"
Post a Comment