Blogger Widgets

Bố chồng khó tính



Nhiều người khen và bản thân tôi cũng tự nhận mình nội trợ không đến nỗi, vậy mà bố chồng rất hay chê bai nặng nề. Ngon hay không tất nhiên do khẩu vị cảm nhận của mỗi người, song cái cách ông thể hiện rất thiếu suy nghĩ khiến tôi thấy ông thật nhỏ bé.

 
Bố chồng khó tính
Hôm nhà có giỗ, một tay tôi sắp đặt tất cả, để rất đông đủ mọi người ăn đều ngon lành, ông vẫn cứ chê tôi nấu cơm không thơm, không dẻo. Trong khi thằng cháu ăn hết bốn bát nên hết sạch cơm thì ông lại kêu “tao đói, tao không thích bánh chưng”. Hỏi “ông ăn mỳ hay miến để con nấu?”, ông tỉnh khô “tao muốn ăn cơm” khiến chồng tôi cũng bất bình. Tôi buông bát hì hục xuống bếp nấu cơm, lúc sau thấy ầm ĩ trên nhà. Ra chồng tôi nói một câu “ông cứ thích bắt tội người khác” làm ông chửi bậy, rồi ném chén bát đuổi chồng tôi ra khỏi nhà.

Về chơi nhà nội bao hôm là ngần ấy ngày đầu tôi căng như dây đàn, vì cảm thấy bao năm nay lối sống của ông bà càng ngày càng khó tính, khó chịu. Một năm con cháu về có được nhiều đâu mà ông cứ chửi bới, rủa xả. Có mỗi việc dép guốc ông để gọn bọn trẻ lấy ra nghịch làm đoàn tầu, nhắc nhở nhẹ nhàng là được, đằng này ông quát tháo chửi “bố tiên sư bọn mất dạy”. Tôi cố vuốt cho ông nguôi giận nên cười cười bảo: “Ông cứ bảo cho cháu về ông trông, cháu về mới được ba ngày mà ông quát mắng dữ thế!”. Ông lừ mắt: “Ở với tao mà thế á, tao đập chết. Còn mày nữa, cái loại vô học, bố chồng nói một câu cãi phăng một câu” khiến tôi đứng tim, không thốt nổi tiếng nào. Các cháu thì sợ ông một phép, cứ nghe "lại ông bế" là xanh cả mặt.

Ngày Tết những năm trước cứ về đến là tôi tối mắt tối mũi, cắm mặt vào bếp lo cho đủ cỗ, cúng, rồi rửa bát đĩa dọn dẹp hết nguyên ngày. Ông đao to búa lớn mắng tôi chả hiểu lễ nghĩa, không biết đường mà đi chào hỏi khắp lượt bà con láng giềng. Năm vừa rồi rút kinh nghiệm, tôi cùng chồng chúc tết quanh xóm, vậy mà về mặt ông hằm hằm: “Loại lười nhác chỉ biết nhót đi chơi, không chịu lo cơm nước, không có tí trách nhiệm gì với nhà chồng”. Câu nào ông nói cũng thêm vài từ đệm tục tĩu làm tôi sợ lũ trẻ sẽ tiêm nhiễm theo ông.

Hôm mùng ba Tết tôi xin phép về sớm hóa vàng ở nhà thì ông thản nhiên quát “cái loại sống không có tâm không có đức thì thắp hương thắp khói làm gì để người ta chửi vào mặt cho”.

Không phải là kể lể, kể công mà tôi chỉ muốn nói rằng mình là đứa biết nghĩ chứ không phải phường “phổi bò” luộm thuộm. Từ trước tết tôi đã dành thời gian đi chợ mua sắm đầy đủ tất thảy đồ lễ và quà tết, tha lôi từng tí một chất đầy lên taxi, từ cân măng, cái giò, chục nem cho đến hộp mứt, cái kẹo, giấy ăn… vì về quê hẻo lánh muốn mua đồ cũng khó. Vậy mà hôm ấy ông còn tức giận mắng “Từ giờ tao cấm tiệt, đ… cho mang cái gì đi nữa”. Tôi nghe mà thấy nực cười quá. Khi ra xe ông giúi cho cái bánh chưng, với nửa con gà hôm trước ăn chẳng hết, không lẽ trả lại thì ra xé chuyện thành to, nhưng tôi tự thề sẽ không bao giờ động vào bất cứ gì ông cho.

Cảm thấy mình sống cũng biết điều, được nhiều người kính trọng mà về nhà chồng thì bị xúc phạm, chà đạp vùi dập như rơm như rác là tôi lại ứa nước mắt. Sống hết lòng hay không cũng bằng nhau, vẫn bị chửi thậm tệ thì cố gắng về đó làm gì cho khổ thân mình ra nữa?
[Trẫm xem tiếp...]


Lấy chồng để đau đầu vì tiền?



Vợ chồng tôi là công nhân cùng công ty. Tôi vào trước nên ổn định sớm, lương bốn triệu, hơn chồng một triệu. Với số ấy không phải thuê nhà, ở quê vật giá rẻ nên cũng không đến nỗi. Tôi tự tin đi lấy chồng. Bước vào gia đình chồng mới thấy mọi việc không đơn giản.

 
Lấy chồng để đau đầu vì tiền?
Nhờ tằn tiện từ thời con gái nên ngày cưới tôi có chút vốn lận lưng, tuy nhiên chồng tôi thì vì mải chơi từ lúc thanh niên nên tài sản chẳng có gì ngoài chiếc xe máy bố mẹ cho. Tất tật đồ dùng tư trang ngày cưới là tôi phải tự sắm, tiền mọi người mừng được hơn sáu triệu chúng tôi gửi hết mẹ chồng để lo trả tiền cỗ bàn, vậy mà rốt cuộc thống kê lại bà vẫn kêu rên: “Lỗ mất gần chục triệu”.

Mới về tôi cũng ái ngại không muốn chuyện tiền nong làm mất vui, nên bàn với chồng, một tháng sẽ gửi bà hai triệu tiền ăn (chúng tôi chỉ ăn cùng có một bữa tối, sáng đi làm sớm, trưa thì ăn ở công ty), đồng thời đưa thêm hai triệu nữa để bà trả dần nợ cỗ, vậy là
vừa xoẳn suất lương của tôi. Còn lại sẽ tiêu lương của chồng cho việc ăn sáng, xăng xe đi lại, giao tế… trong khi đó bản thân tôi cũng nợ bạn bè một ít do mua giường tủ.

Tôi nhẩm tính chỉ sau năm tháng sẽ trả hết nợ đám cưới, sẽ yên tâm sinh con và vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình. Tuy nhiên lại chẳng được xuôi chèo mát mái như thế, vì mãi sau tôi mới nhận ra mẹ chồng là người không biết thu vén, hay hoang phí. Không phải bỗng dưng mà bố chồng khư khư ôm tiền về mình và chơi bời gần hết.

Có dạo nghe chồng kể, hồi bố chồng đi làm cũng có tiền, bà coi ông như cái máy ATM, thi thoảng lại lục ví hoặc chìa tay hỏi tiền. Ông hỏi chi phí cho sinh hoạt một tháng hết bao nhiêu, bà không liệt kê được. Có tháng ông đưa cho bà một cục để bà tự tính toán chi dùng, vậy mà chưa đến nửa tháng nửa suất lương của ông được bà tiêu hết khiến ông choáng váng bất ngờ. Từ đó ông hay cằn cặn mỗi khi bà hỏi tiền. Khi ông về hưu thì kinh tế túng hẳn, ông lại hay thua đề nên nợ nần cứ chồng chất, bà thì tiêu vốn quen tay nên có nhiều sẽ tiêu lắm. Thành ra số tiền suốt nửa năm qua chúng tôi đưa bà chẳng trả được cho ai tí nào mà hoàn toàn tiêu hết, vì bà mua sắm không tính toán, lại không kiếm ra thêm được, do chỉ làm ruộng đơn thuần, đồng thời thi thoảng bố chồng thua đề lại đến vay bà để đánh. Đã vậy cưới được một tháng thì tôi có thai, bà trách tôi sao để có thai sớm thế, từ từ giúp bà trả hết nợ đã, tôi nghe mà buồn.

Lương hưu của bố chồng hơn lương chồng tôi cày cục cả tháng, tuy nhiên ngay sau đám cưới ông đã tuyên bố: “Nợ nần mặc mẹ con mày, tao không liên quan”.

Chồng tôi cũng có trong người cái máu mê của bố. Lương anh hồi trước một ngày được chín mươi ngàn nhưng có hôm ngồi đánh bài đã hết hơn năm trăm, gọi điện thì tắt máy, rồi thì không liên lạc được và đến năm giờ sáng mới về. Tôi đang mang bầu phải khóc vì lo lắng, không ngủ nổi.

Tết vừa rồi mấy anh em họ ngồi “vặt” của nhau, đêm ba mươi tôi xuống gọi về, anh vằn mắt lên khiến tôi uất ức. Bà bác thấy thế hắt đuổi cả bọn anh mới miễn cưỡng ra về.

Ở nhà chồng nên tôi cũng đâu dám nói to, góp ý với chồng thì vẫn cứ trơ trơ ra, chẳng thấm vào đâu, mẹ chồng còn trách tôi không khuyên được chồng. Có lần bà bảo mọi người, có ý khen tôi lành, chẳng ghê như chị dâu cả, nhưng tôi thì tự hỏi hiền để làm gì, để khóc mỗi khi bất lực, để thở dài mỗi khi gặp sự bất công thôi, đúng không? Lấy chồng mới được nửa năm đã cảm thấy cuộc sống sao mà khó khăn quá!

Chửa sang tháng thứ sáu mà tôi mới tăng được đúng hai cân, gầy như mõ mương, ai cũng quở cũng trách, nói tôi phải ăn nhiều vào và chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Tôi chẳng biết bày tỏ, giải tỏa cùng ai, cứ phải nín nhịn, cố chịu đựng một mình với suy nghĩ ăn uống chỉ là một phần thôi, quan trọng là tư tưởng không thông, tâm lý chẳng thoải mái suốt ngày lo nghĩ thì an dưỡng, béo tốt sao được. Trong lòng lúc nào cũng chán và ngán thì có ăn ngon nổi?

[Trẫm xem tiếp...]


Mẹ chồng - nàng dâu, sao cứ phải bất hòa?



Mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu là bình thường như cơm bữa nhưng đừng vì thế mà xa cách mẹ chồng. Hãy thử những cách sau để gần gũi hơn với người phụ nữ đáng kính đã sinh ra chồng bạn.

 
Học nấu nướng
Học nấu nướng

Mẹ chồng nào cũng muốn chia sẻ bí quyết nấu ăn cho con dâu, người sẽ thay bà quán xuyến gia đình và chăm sóc con trai, cháu nội của bà. Nắm bắt tâm lý này, bạn có thể tạo nên mối gắn kết với mẹ chồng, học được cách nấu ăn ngon và còn hơn thế nữa. Hãy học nấu món ăn bà ưa thích nhất, đề nghị nấu vài món mới lạ hay chỉ đơn giản phụ giúp mấy việc vặt trong bếp. Bạn sẽ nhận ra giữa mẹ chồng, nàng dâu không chỉ có những bất đồng mà còn có điểm chung là thú vui nấu nướng.

Ngược dòng kí ức

Xin mẹ cho xem album ảnh gia đình, hai mẹ con thích thú ngắm lại những hình ảnh cũ của các thành viên nhà mình. Mẹ chồng sẽ sẵn lòng kể lại chuyện ngày xửa ngày xưa khi chồng bạn còn là một cậu bé ngốc nghếch và nghịch ngợm. Còn gì vui hơn được nghe kể về những năm tháng ấu thơ của người đàn ông mình yêu. Cùng chia sẻ tràng cười thoải mái khi lục lại ảnh cũ, hai “địch thủ” sẽ quên hẳn những mâu thuẫn vặt vãnh hàng ngày.

Học ngôn ngữ nhà chồng

Thời đại này, các cuộc hôn nhân xuyên biên giới, đẳng cấp, nền văn hóa và tôn giáo xảy ra ngày càng nhiều. Vì tình yêu, các cặp vợ chồng bất chấp khoảng cách địa lý và sự khác biệt văn hóa, tôn giáo, chính trị để đến với nhau. Dù vậy bạn chắc chắn gặp phải cú sốc văn hóa, bạn không biết phải hành xử thế nào cho đúng với bản sắc địa phương ở quê chồng. Ít nhất, nếu sinh sống cùng nhà chồng, bạn cần học ngôn ngữ nơi đó. Trong trường hợp bạn không ở đất nước họ, hãy cứ học những câu đơn giản, không nhất thiết phải thông thạo nhưng ít ra cũng nên chào hỏi vài tiếng khi đến thăm họ.

Giữ liên lạc

Nếu không ở cùng mẹ chồng, thỉnh thoảng hãy gọi điện cho bà để biết tình hình sức khỏe, công việc, bạn bè của bà. Khỏi phải nói mẹ chồng sẽ quý bạn thế nào khi bạn tỏ ra quan tâm và thường xuyên kể cho bà biết mình đang ở đâu, làm gì.

Sinh cháu cho bà

Nếu bạn có con, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày càng được cải thiện. Bạn sẽ thấy biết ơn khi có bà ở bên giúp đỡ bạn chăm cháu nhỏ, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về cách nuôi con.

Cùng đi du lịch

Bàn với chồng chọn một địa điểm thú vị. Một chuyến du lịch ngắn ngày cùng chồng, mẹ chồng và các con sẽ mang lại những cảm xúc trìu mến, thân thương. Điều này giúp bạn ghi điểm trong mắt mẹ chồng, bà nhận ra cố gắng của bạn trong việc xóa mờ khoảng cách mẹ chồng, nàng dâu.
[Trẫm xem tiếp...]


Ngày nào cũng vụng trộm với chồng hàng xóm



Năm năm trước, vì yêu cầu công việc, vợ chồng tôi khăn gói rời thành phố Đà Nẵng để vào Sài Gòn. Chuyển đến thành phố lạ, tôi từ bỏ công việc văn thư trước đây, chuyên tâm ở nhà làm ô sin cao cấp, chăm con và tề gia nội trợ.

 
Ngày nào cũng vụng trộm với chồng hàng xóm
Khác với cuộc sống cũ khi còn ở Đà Nẵng, bây giờ vì thời gian rỗi có nhiều, nên khi đến môi trường sống mới, tôi cũng tăng cường kết thân, tạo được mối quan hệ láng giềng tốt. Có 13 căn hộ trên tầng 22 của khu chung cư tôi đều thân thiết, hàng ngày đều gặp gỡ hỏi han trò chuyện. Đặc biệt, có anh chồng hàng xóm là tôi thân hơn cả.

Một năm trở lại đây, gần như ngày nào chồng tôi và cô hàng xóm cũng đều đi làm trùng giờ nhau, để lại tôi và anh chồng nhà bên một ngày 8 tiếng qua lại hàn huyên. Anh ấy là mẫu người đàn ông nồng ấm, lại là đầu bếp cừ khôi do đó vào bữa trưa tôi và anh thường ngồi ăn cùng nhau, rồi cùng tâm sự trao đổi một chủ đề nào đó.

Tôi chẳng biết tự khi nào, cảm xúc của mình dành cho hàng xóm thay đổi. Hình ảnh anh chồng hàng xóm xuất hiện nhiều hơn trong những giấc mơ ngọt ngào hàng đêm. Tôi đã lảng tránh anh, thường cáo bận dọn dẹp nhà để không gặp nhau nữa. Nhưng càng cố gắng tránh mặt, tôi càng nhớ anh đến điên cuồng. Tôi biết tôi đã yêu anh chồng nhà hàng xóm.

Anh biết những bối rối mà tôi đang gặp phải, nhưng vẫn để cho tình cảm lất át lý trí, để cho mối quan hệ vụng trộm của chúng tôi ngày càng lún sâu. Sau những bữa ăn trưa, sau những lần tôi nhờ anh sang giúp đóng cây đinh hay sửa đường ống nước… tôi đã không thể cưỡng lại những nụ hôn mãnh liệt của anh, những cái vuốt ve có nghề. Mà cưỡng làm sao được khi chính bản thân tôi dù rất căm ghét mình vì đã để tình cảm sai trái này đi quá xa nhưng lại rất thích được gần gũi anh, thích mùi hương ở cơ thể và thích cả cảm giác chăn gối tuyệt vời mà anh hàng xóm mang lại.

Tôi bây giờ đang bấn loạn. Lo sợ một ngày chuyện vỡ lở. Tôi không muốn ly hôn chồng, càng không muốn phá huỷ gia đình ai. Vậy tôi có thể làm gì khi mà ngày nào cũng đụng mặt với anh ở ngay sát vách, và ngày nào cũng gặp nhau, cũng lén lút, cũng tằng tịu vụng trộm. (Thu Hồng, TPHCM)

Bạn thân mến,

Một phụ nữ và một người đàn ông thường nếu cứ bên nhau thời gian dài dễ phát sinh tình cảm. Đặc biệt theo như lời bạn kể, anh chồng hàng xóm lại là người biết cách quan tâm, chu đáo. Lý do khiến bạn rơi vào vòng quan hệ luẩn quẩn với anh hàng xóm có thể là vì anh chàng này thực sự chăm sóc lo lắng cho bạn, mang đến cho bạn cảm giác mới lại; phần khác là vấn đề giữa bạn và chồng của mình. Hai bạn có gặp trắc trở, bất hoà gì không, có hoà hợp trong chuyện chăn gối…

Bạn biết mình đang sai lầm, nhưng sao vẫn để nó diễn ra và kéo dài. Bạn bảo mình không muốn ly hôn chồng, càng không muốn phá huỷ gia đình ai khiến tôi có cảm giác bạn là con người tham lam, bạn vẫn nuối tiếc anh chàng hàng xóm lại muốn không để chồng mình biết. Bạn có thể giấu giếm và kéo dài chuyện này được bao lâu? Giấy có bọc được lửa hay không? Tôi nghĩ vấn đề mấu chốt ở đây chính là bạn. Chỉ khi nào bạn chấm dứt tình cảm với anh chàng này, bạn quyết tâm và cứng rắn thì khi đó dù muốn anh ta cũng chẳng còn cơ hội mà lại gần tán tỉnh bạn.
[Trẫm xem tiếp...]


Mẹ thật mâu thuẫn



Dạo này bố không còn gọi mẹ “mẹ còi ơi” nữa, (hơn sáu mươi cân rồi còn còi nỗi gì) mà gọi “mẹ bầu ơi” có khi lại gọi “Bầu ơi”, làm mẹ cứ khúc khích. Rất nhiều người quen lẫn lạ gọi mẹ là bầu, và mẹ tự hào về cái bụng tròn xoe của mình lắm lắm.

 
Mẹ thật mâu thuẫn
Thi thoảng mẹ lại nghịch ngợm áp bụng vào lưng bố lúc con đang đạp thùm thụp, để bố có thể cảm nhận dần những hoạt động của con. Bố có vẻ cũng xao động, cứ lóng ngóng chăm sóc mẹ và trò chuyện với con để thể hiện tình cảm. Mẹ cảm nhận từ bố con sự gần gũi, gắn bó hơn bao giờ hết.

“Gian phòng” có vẻ đã chật chội, nên con cũng bị bí bách đúng không? Mẹ thấy con đạp nhiều lắm. Dù thế nào cũng gắng chờ đủ chín tháng mười ngày hẵng vui vẻ chào đời bình yên con nhé.

Với mẹ, thêm một đứa con là thêm một nỗi lo toan, tuy nhiên cũng là có thêm niềm vui, cùng một trái tim nồng ấm để sẻ chia yêu thương và tâm sự nhiều điều trong cuộc sống. Làm gì mẹ cũng nghĩ đến con và biết rằng con đang đồng hành cùng mẹ, mẹ có ý thức và trách nhiệm hẳn lên.

Để rồi những giai đoạn này đã xuất hiện đầy ngập lòng mẹ những mâu thuẫn. Mẹ muốn con gần bố để học các đức tính tốt, nhưng đôi khi cũng sợ con quá nguyên tắc giống bố. Muốn rèn cho con tính tự lập, tự chủ nhưng lại sợ buồn khi con xa cách mẹ. Mẹ muốn con sống bằng lý trí, nhưng lại thấy nhụt chí nếu con không biết thể hiện tình thương.

Mẹ luôn muốn mang đến cho con một cuộc sống đầy đủ bằng bạn bằng bè, tuy nhiên lại lo con không có chí tiến thủ, không biết vươn lên, không hiểu giá trị của lao động. Như bố mẹ từng bảo nhau, nếu không có những ngày khốn khó, nếu ông bà có điều kiện, bố mẹ cứ muốn gì được nấy thì liệu có được như ngày nay.

Mẹ loay hoay và trăn trở, khi xuất hiện quá nhiều thông tin và bài học quanh mẹ. Có bạn vì mẹ cứ để tự do ăn, nên thiếu chất, còm nhom suy dinh dưỡng, có những anh chị vì bị nhồi nhét mà trở nên ục ịch nặng nề. Chẳng biết thế nào mới là đúng, là đủ. Cho vui chơi nhiều quá thì sợ con mải mê, mà không cho giải trí thì thương con đánh mất tuổi thơ, như thế nào mới là vừa phải? Chuyện học hành sau này cũng thế, vừa muốn con có sự hiểu biết nhất định, vừa không muốn con “ngộ” chữ. Biết bao bạn học nhiều quá rồi có khi trở thành bất thường, như thế nào mới là bình thường? Mẹ vừa muốn là một người mẹ năng động, có sự nghiệp riêng và kinh tế vững, song lại cũng muốn ở bên con mọi lúc mọi nơi, theo sát sự trưởng thành và từng bước chân con đi.

Có thể mẹ không phải là một người mẹ hoàn hảo, nhưng mẹ đang trong quá trình mày mò, tìm hiểu để luôn hướng tới đó. Mẹ chưa biết mình sẽ phải làm thế nào và cho con được những gì, song chắc chắn sẽ trao cho con một tình yêu thương bao dung và che chở. Cả cuộc đời này lòng mẹ sẽ luôn bên con, hãy vững tin nhé, vì con giỏi hay dốt, tốt hay xấu thì cũng là con của bố mẹ.
[Trẫm xem tiếp...]


Mong chồng bớt... hào phóng!



Về quê dự đám cưới, lúc khởi hành quay lại thành phố thì xe chết máy. Nghe tài xế bảo sửa xe mất vài tiếng, mọi người đành ghé vô quán nước mía bên đường cho đỡ ngột ngạt.

 
Mong chồng bớt... hào phóng!
Được anh chủ quán vui vẻ gợi ý, mấy ông ra chợ gần đó mua hải sản và thùng bia về lai rai giết thời gian. Mình ra sau quán rửa mặt, loáng thoáng nghe chị chủ quán cằn nhằn anh chồng. Thì ra, chị đòi tính tiền công luộc mấy ký nghêu sò vì quán bán nước mía chứ không phải quán nhậu, hơi đâu làm giùm. Anh chồng vặc lại: “Bạn thằng D. cũng như bạn mình, anh em không mà tính toán gì? Lâu lâu người ta ở thành phố xuống chơi mà!”. D. là tên chú rể mình vừa dự đám cưới, nhà chỉ cách đó mảnh vườn. Cái kiểu “tình thương mến thương” của anh chủ quán khiến mọi người thích thú vì sự hiếu khách, nồng hậu của người dân ở quê, nhưng là phụ nữ, mình lại cảm thông với người vợ hơn.

Việc buôn bán rồi nhà cửa, con cái đã khiến chị tất bật lắm rồi, trông chị lam lũ thế kia mà! Đã vậy còn phục vụ đám khách nhậu bất đắc dĩ, chưa kể phải bỏ gia vị, củi lửa, công sức nấu, nhậu xong cả đám bỏ mớ lộn xộn lại cho chị dọn, chị bực cũng phải. Cứ vài ngày lại gặp một đám bạn nhậu của ông chồng, hiếu khách kiểu này cũng đủ mệt. Khi mình dúi ít tiền làm quà, chị cầm nhưng vẫn chưa thôi ấm ức ông chồng. Chị bảo đây không phải lần đầu anh tỏ ra hào phóng thế; dù nhà nghèo rớt mùng tơi, nhưng hễ gặp bạn nhậu hay khách thân, sơ gì đều muốn “chơi đẹp”, kiểu “dân chơi sá gì mưa rơi”! Mình biết chị đã và sẽ còn khổ dài dài bởi mình cũng có một ông chồng ưa hào sảng kiểu ấy.

Hồi yêu nhau, vợ rất cảm động trước sự rộng rãi của chồng. Nhớ lần cậu đồng nghiệp kể việc nhà trọ cậu ở bị trộm dọn sạch, dù khi kể lại cậu ấy không có ý nhờ giúp đỡ, nhưng chồng đã vét sạch túi đưa hết cho cậu ấy. Lúc ấy chồng đi về dọc đường lỡ xe hết xăng chắc chỉ có nước dẫn bộ. Đứa em đi Hàn Quốc về cho vợ hộp sâm quý, đem ngâm rượu làm thuốc chưa kịp uống. Có lần, bạn tới chơi, chồng lôi bình rượu sâm ra đãi. Vợ đi vắng, về phát hiện thì hỡi ôi... bình rượu đã cạn tới đáy! Nói ra thì mang tiếng hẹp hòi, nhưng vợ cứ tiếc hộp sâm quý có tiền cũng khó mua ở đây được. Rút kinh nghiệm, những gì quý giá nhưng có “nguy cơ” cao vợ đều giấu khỏi tầm mắt chồng. Dẫu sao, sự hào phóng của chồng với những món vặt vãnh ấy cũng chưa phải là “đỉnh”.

Hôm rồi chị chồng lên chơi, chị cứ tấm tắc khen bộ sofa nhà mình đẹp và chặc lưỡi “chắc bộ này mắc lắm!”. Chị vừa khen xong câu thứ hai thì chồng tiếp luôn: “Chị thích thì cứ lấy về xài, tụi em mua bộ khác”. Dù chị cứ khăng khăng không lấy nhưng sau khi chị về, chồng kêu xe chở bộ sofa về nhà chị luôn. Vợ thắc mắc cho chị thì lấy gì xài, vì giá trị chiếc sofa không nhỏ, mà mình đâu khá giả gì để chồng liên tục “chơi đẹp” như thế? Chồng cười hề hề bảo cho chị chứ có cho người ngoài đâu mà tiếc. Ủng hộ chồng thì mình thiệt, mà phản đối thì thấy mình nhỏ nhen. Tình huống nào cũng khó cho vợ.

Cứ nghĩ cả vợ lẫn chồng đều có tuổi thơ cơ cực nên chồng hiểu hơn ai hết cái khổ của sự thiếu thốn. Chồng từng kể về ba chồng với ý trách móc, lúc nào cũng hào phóng với chiến hữu, bạn bè, trong khi mẹ chồng phải chật vật lo cho con. Vậy mà cái “gien” ấy như đã ăn sâu vào máu chồng. Bớt lại chồng ơi, nếu không muốn nhà mình có ngày sạch sành sanh chỉ vì cái tính hào sảng của chồng!

Theo Thu Vân
[Trẫm xem tiếp...]


Giữ cảm hứng cho hôn nhân



Cùng nghe bí quyết giữ lửa hôn nhân từ các cặp đôi bên nhau đã nhiều năm nhưng trong ánh mắt họ nhìn nhau chưa bao giờ mất đi tình yêu và cảm hứng.

 
Đừng đòi hỏi nửa kia những điều bạn không sẵn sàng dâng hiến
Đừng đòi hỏi nửa kia những điều bạn không sẵn sàng dâng hiến

Thật nực cười nếu bạn muốn uốn nắn nửa kia theo kiểu của bạn trong khi bản thân chưa chắc gì đã sẵn sàng thay đổi vì người ta. Lấy ví dụ ngay từ một việc rất nhỏ, tại sao lại yêu cầu chồng phải ngăn nắp sạch sẽ trong khi bạn nhiều lúc còn vứt lăn lóc quần áo chíp trên giường bởi quá mệt.

Cuộc sống chung còn rất dài, cái gì xân xi được thì cứ xân xi, và tối kỵ yêu cầu ở người kia những điều mà ngay cả bản thân bạn nhiều khi cũng không chắc sẽ làm được.

Cần gần gũi và tin tưởng

Hãy làm “chuyện ấy” nhiều hơn và tuyệt đối tin nhau. Cố hết sức tránh mang sự bực dọc, tức tối lên giường. Chiếc giường là tổ ấm uyên ương, các bạn sẽ chỉ chia sẻ những mật ngọt yêu thương khi ở đó.

Coi trọng gia đình nhất

Hãy nâng niu hai chữ gia đình, nghiêm túc dành thời gian cho gia đình của bạn. Nhà có cha, có mẹ, có các anh chị em và các thành viên luôn gần gũi nhau, trao đổi, giao tiếp, chia sẻ mọi vui buồn. Đừng bỏ qua bữa tối cùng cả nhà, đó là khoảng thời gian chất lượng nhất để cha mẹ, con cái, anh chị em có thời gian giao tiếp, từ đó tình cảm thêm gắn bó, thân thiết.

Nửa kia phản ánh chính bạn

Đúng vậy đấy. Một phần của anh ấy phản ánh con người bạn và ngược lại. Khi có điểm nào ở anh ấy khiến bạn không thích, hãy nhìn lại chính mình, tự hỏi bạn ở đâu, có vai trò gì với đặc điểm “đáng ghét” đó.

Áp dụng chính sách mở

Đã là một gia đình, mọi việc giữa các bạn đều nên rõ ràng. Cần có sự bàn bạc, thảo luận của cả hai vợ chồng về những vấn đề quan trọng. Các chế độ kỷ luật, nề nếp gia đình áp dụng với con cái cũng cần hết sức phân minh, tốt cho bạn về sau khỏi phải mệt khi đứng ra phân xử.

Cùng giải quyết khó khăn

Một trong những lợi ích to lớn mà hôn nhân đem lại là bạn không bao giờ cô độc, không phải một mình đối đầu với khó khăn. Hãy tận hưởng hạnh phúc ấy. Hãy chia sẻ với nửa kia bất cứ khi nào bạn gặp rắc rối. Cùng với nhau, hai người sẽ nghĩ ra giải pháp và hành động. Dù sao hai cái đầu, hai trái tim cũng tốt hơn là một mình nghĩ quẩn.

Tình bạn là nền tảng

... nhưng hôn nhân luôn tối cao. Ai sẽ ở bên những lúc bạn khó khăn? Ai là người cuối cùng ở lại với bạn khi cuối đời? Ai là người hốc hác, giấu đi những giọt nước mắt, hít thở thật sâu lấy thêm nghị lực chăm sóc cho bạn khi đau ốm trong bệnh viện? Đó là gia đình. Cho nên bất luận thế nào, đừng đặt bạn bè lên cao hơn gia đình. Bạn bè là nền tảng, nhưng gia đình là điều thiêng liêng nhất.

[Trẫm xem tiếp...]


Vô ý như… đàn ông



Có đôi vợ chồng đều trạc tuổi 50 vào quán ăn. Ông vui vẻ nói với cô phục vụ chừng đôi mươi: “Em lấy trước cho anh chai bia nhé”. Cô phục vụ: “Dạ, em lấy liền, anh”. Cô lại quay sang bà vợ: “Dạ, cô gọi món giúp con”.

Người vợ sa sầm nét mặt, đứng phắt dậy: “Thôi, về, khỏi ăn uống gì nữa”. Ông chồng gãi đầu, chạy theo giải thích: “Tại con bé đó vô ý vô tứ, đã gọi anh là anh rồi mà còn gọi em là cô”. Bà vợ giận dữ: “Anh vô duyên trước thì có. Đã bao nhiêu lần rồi, gặp mấy cô gái trẻ, cứ anh với em. Anh xưng là anh thì được, chứ làm sao tôi xưng là chị với con bé kia? Cái tật không bỏ”. Người chồng hài hước để xoa dịu: “Rút kinh nghiệm, lần sau vào quán, anh sẽ bảo “cháu - em cho chú - anh một chai bia”. Vợ bật cười, nhưng bữa tối coi như đã hỏng.
 
Vô ý như… đàn ông

Một câu chuyện khác. Tiệc cưới, người chồng xăng xái gắp đồ ăn cho những người phụ nữ trong bàn, rồi xới qua xới lại đĩa gà luộc để tìm miếng đùi gà cho vợ. Người vợ trừng mắt nhìn chồng. “Sao vậy em?” - Chồng ghé tai hỏi nhỏ. Vợ rít thầm: “Anh vô duyên quá, gắp đùi gà cho em, người ta nghĩ sao? Em là kẻ phàm ăn tục uống à?”. Chồng không nhận khuyết điểm: “Anh biết em thích miếng đùi mới tìm cho em, em quá đáng với anh đó nha, để ý từng ly từng tí vậy?”. Mất hứng, vợ đòi về sớm, chồng cũng đứng dậy luôn. Suốt quãng đường về, người vợ xâu chuỗi thêm một danh sách dài những lần chồng vô ý. Nào là giữa đám đông, đang đứng cạnh vợ mà chồng sốt sắng làm quen, cười nói vui vẻ với một người phụ nữ khác; gặp phụ nữ lạ thì lăng xăng kéo ghế, trong khi chẳng bao giờ kéo ghế cho vợ; rồi chuyện không biết giữ khoảng cách cần thiết với các cô em họ bên nhà vợ trong những lần đi ăn đám giỗ... Càng nghe, anh chồng càng tự ái. Theo như cách “quy kết” của vợ, thì anh quá vô duyên. Anh cố gắng giữ không phản ứng lại. Chỉ đến khi vợ bật ra một câu, anh mới thực sự thấm: “Ngày mới quen nhau, em thấy anh ý tứ, biết trước biết sau lắm. Nhưng, khi đã là vợ chồng, anh vô tư không tả hết. Anh nghĩ, đằng nào em cũng là vợ rồi nên không cần giữ ý, không cần lấy lòng nữa phải không?”. Nói đến đây, cô vợ khóc.

Liệu có thể thay đổi sự “vô tâm vô tính” của đàn ông không? Nhiều nhà tâm lý đã chứng minh: đàn ông thì đại cương, đàn bà thì chi tiết. Đặc tính nghĩ xa, nghĩ rộng, nhìn bao quát của đàn ông dễ khiến họ xem nhẹ tiểu tiết. Mà để đảm bảo được sự tinh tế, ý tứ “trên từng cây số”, đàn ông phải để ý đến từng chuyện nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, bản tính kỹ lưỡng của đàn bà khiến họ liên tục nhận thấy sự vô ý của đàn ông, và thường xuyên bực bội với điều đó. Có lẽ, khó mà thay đổi triệt để được thực tế này.

Nếu một bên cứ xem nhẹ mọi chuyện, bên còn lại mãi theo xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, sự tôn trọng dành cho nhau chắc chắn sẽ dần mai một. Một số phụ nữ đã tự tìm cách hóa giải nỗi bực tức bằng cách chấp nhận thực tế theo kiểu: “Ổng vô tâm vậy đó, hơi đâu mà để bụng”.

“Đàn ông nông nổi giếng khơi”, những vô ý vụn vặt ấy thường khiến họ mất điểm bước đầu, nhưng nếu phụ nữ hiểu được điều đó mà bỏ qua, sẽ “khai thác” được sự quan tâm có chiều sâu sau đó. Nói nôm na là họ chỉ sơ ý quên lãng nhiệm vụ với bà xã thôi. Bằng chứng là khi bị vợ khó chịu về sự vô ý ấy, người đàn ông tìm ngay cách để lấy lại lòng tin yêu của vợ đó thôi. Đàn ông dễ làm phật lòng phụ nữ, nhưng lại cũng rất biết cách khiến phụ nữ nhanh chóng nở nụ cười trở lại. Có chị thử chiếc váy mới để đi dự tiệc, nhờ chồng nhận xét. Anh chồng vừa xem ti vi, vừa lơ đễnh buông một câu: “Nhìn như trẻ con, chả khác nhân vật trong phim hoạt hình”. Vợ cau mày. Biết mình nói hớ, anh chữa cháy ngay: “Nói chơi vậy thôi, chứ em mặc váy này đẹp như một nàng công chúa ấy”. Vừa nói, anh vừa đứng lên xăng xái giúp vợ chuẩn bị đồ đạc, dắt xe ra cho vợ. Nếu người vợ cứ chấp nhặt, sẽ “ghim” câu nói vô tâm của chồng, rồi ghét hờn, không thèm để ý đến những hành động chuộc lỗi dễ thương của chồng nữa.

Thế nhưng, bắt đàn bà không chấp nhặt cũng khó chẳng kém bắt đàn ông luôn phải tập trung để không sơ sẩy, vô ý. Xem ra, chỉ còn cách là cả hai phía tập chấp nhận “lỗi tạo hóa” của nhau để nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn.

[Trẫm xem tiếp...]


Đòn độc của đàn bà



Suốt một thời gian dài vợ gã chẳng mảy may nghi ngờ gì, mãi cho đến lúc rất rất nhiều người nói đến tai “gã đang ngoại tình” thì vợ gã mới đặt dấu chấm hỏi rồi theo dõi nên biết sự thật.

 
Đòn độc của đàn bà
Song vợ gã vẫn ra vẻ chẳng quan tâm, vẫn bênh chồng là gã chỉ thi thoảng “văn nghệ” tí thôi khiến lũ bạn gã khen vợ gã là đứa biết sống. Gã tủm tỉm cười thầm khoái chí, cũng thấy phục mình khi chọn được người vợ biết điều. Gã bảo bồ: “Mụ già kia sỹ diện chẳng dám làm gì đâu” rồi mang dần tiền đi để gây dựng tổ ấm yêu thương. Vẹn cả đôi đường, gã đồng thời nhận được sự yêu chiều, săn sóc của hai người phụ nữ luôn hết lòng với gã.

Vợ gã thì nghĩ chẳng đi với con này chồng mình cũng sẽ tìm đến con gà đồng khác. Trưởng phòng, nhà ba tầng, xe đẹp, con ngoan, không dễ mà bắt người ta phải từ bỏ tất cả. Nhỡ lộ tẩy be bét ra, ảnh hưởng đến bộ mặt gia đình rồi con cái cũng chẳng dám nhìn ai. Vợ gã nhịn nhục vì không còn tìm được lời nào để nói, lối nào để thoát, gọi bố mẹ hai bên liệu có ổn thỏa không, hay là ai có con thì bênh và rồi mèo lại hoàn mèo.

Có lần vợ gã nhỏ nhẹ khuyên thì gã điềm nhiên: “Anh thấy chả ảnh hưởng gì đến ai cả, biết con bé hay hay thì anh cặp cho vui. Em đừng quan trọng hóa vấn đề người ta cười cho, anh vẫn về nhà với mẹ con em, vẫn có trách nhiệm với gia đình kia mà”. Khi vợ gã thử gay gắt nói, gã dám giơ nắm đấm lên rồi trừng mắt: “Cô mà động đến nó thì đừng trách thằng này không nể tình. Khôn hồn thì ngồi im đi mà hưởng thái bình”.

Sau bao đêm âm thầm cắn răng khóc lóc, vợ gã cũng hiểu, kẻ bội bạc ấy đã quen ăn chứ chẳng quen nhịn, giờ gọi lão quay về khó như lên trời.

Cho đến một lần gã cứ kêu mỏi vai nhức xương, nghe đồn rượu ngâm thuốc tốt cho xương khớp, vợ gã bèn đi lấy thuốc bổ về ngâm rượu ngon cho uống. Sức khỏe gã khả quan trông thấy. Vậy là uống rượu trở thành thói quen đều đặn của gã. Người quen biết chuyện nhấm nhẳng mắng vợ gã đúng là dại, cho gã sức khỏe để gã đến hầu hạ con nỡm kia chứ được tích sự gì. Vợ gã vẫn chỉ tỏ vẻ hiền lành, cam chịu.

Sau khi gã đã quen với rượu vợ ngâm, thì một ngày vợ gã lạnh lùng đi mua đâu hai lạng cao trăn về ngâm, sau khi tham khảo theo lời mách nước của vài “thầy lang”. Gã chẳng hay biết vẫn cứ vác đi nhậu, nốc vào tìn tĩn. Để rồi người cứ đuối đuội dần mà chẳng rõ nguyên nhân, gã muốn lắm mà không còn “làm ăn” được gì nữa. Cô tình nhân bé bỏng lấy làm lạ, cho rằng gã đã no xôi chán chè, đâm ra dằn dỗi ghét bỏ, ở bên kẻ yếu sinh lý ấy làm gì cho phí một đời hoa. Cô ả ôm giữ một đống của nả tích cóp được, sau đó “đá đít” gã khi mà còn chưa bị chằng níu bởi con cái.

Gã lủi thủi trở về, thân tàn ma dại.
[Trẫm xem tiếp...]


“Xin cho em yêu anh”



Biết Nam có vợ nhưng tôi vẫn yêu anh. Đó là điều điên rồ nhất mà tôi từng làm trong đời mình.

 
“Xin cho em yêu anh”
Có lẽ do lúc ấy tôi đã quá lứa lỡ thì nên gặp anh lần đầu, tôi đã say mê, muốn trao cho anh tất cả. Tôi nói với Nam: “Em sẽ không làm gì ảnh hưởng đến gia đình anh. Xin anh hãy để cho em được yêu anh một cách tự nguyện, không đòi hỏi”.

Mới đầu Nam còn ngần ngừ, nhưng sau đó anh cũng xiêu lòng. Và chúng tôi đã có những ngày tháng êm đềm bên nhau cho đến khi tôi tha thiết van xin anh cho tôi một đứa con. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng một người phụ nữ không chồng, khi về già sẽ rất buồn. Nếu có được một đứa con hủ hỉ thì sẽ bù lại được phần nào nỗi trống vắng những khi tuổi già xế bóng.

Mặt khác, suốt khoảng thời gian có anh, tôi đã nhận ra rằng anh không hề yêu tôi. Đó là sự thật hiển nhiên. Anh chỉ cần tôi những lúc vợ chồng anh hục hặc, những lúc bị stress trong công việc hay đơn giản chỉ là những khi anh muốn thay đổi hương vị trong cuộc gối chăn. Nhưng tôi thì khác. Tôi yêu và mong muốn đến cháy lòng có được một đứa con với anh. “Anh đừng lo sem sẽ làm khó dễ. Em hứa sẽ không bao giờ hé môi cho bất cứ ai”- tôi nài nỉ.

Kết cục thì tôi cũng được toại nguyện. Khi biết tôi mang thai, anh có chút lo lắng. Thế nhưng khi tôi quả quyết rằng anh sẽ chẳng liên can gì đến đứa bé, nó chỉ là con của riêng tôi; thậm chí nếu anh muốn, tôi sẽ rời xa thành phố… thì anh yên tâm hoàn toàn. Kể từ lúc biết chắc mình có con, tôi nghĩ có lẽ mình không cần người đàn ông ấy nữa. Tôi đủ mạnh mẽ để làm một người mẹ đơn thân như cách người ta hay nói bây giờ.

Nghĩ là vậy nhưng thực tế lại khác. Khi mang bầu, có những cơn thèm bất chợt giữa đêm hôm khuya khoắc hay khi trời đang giông mưa, bỗng thấy cần quá một người đàn ông bên cạnh. Khi hôi cơm tanh cá, mệt mỏi chẳng muốn làm gì, bỗng thấy thèm một sự an ủi vỗ về… Cứ thế, sự khát thèm như một liều thuốc độc bào mòn lý trí. Tôi bắt đầu nhắn tin, gọi điện, thậm chí đến tận nơi anh làm việc để tìm.

Tôi bắt đầu đày ải Nam trong sự ghen tuông, đố kỵ với người vợ danh chính, ngôn thuận của anh. Điều khiến anh phải chấp nhận những cơn mưa nắng thất thường của tôi chính là đứa con trong bụng. Khi biết đó là con trai, anh rất hào hứng bởi vợ anh chỉ sinh cho anh những “thị mẹt”. Tôi nghiễm nhiên cho mình cái quyền được đòi hỏi, mặc cả tình cảm, sự chăm sóc của anh. Dần dần, tôi muốn anh phải trọn vẹn là của mẹ con tôi.

Muốn được như vậy, tôi đã lên hẳn một kế hoạch “bắt cóc” Nam. Tôi bắt đầu gieo nghi ngờ cho vợ anh, đánh tiếng với mẹ anh bằng những tin nhắn vu vơ. Và tôi nói thẳng với anh: “Em muốn có một danh phận vì em chứ không phải vợ anh đã sinh cho nhà anh một đứa cháu trai để nối dõi tông đường”. Nghe vậy, mặt anh đỏ lên: “Em quên mình đã hứa nhưng gì rồi hay sao? Nếu biết trước có ngày này, anh đã không nhẹ dạ nghe theo lời em”. Tôi cười: “Bây giờ anh hối hận rồi phải không? Nhưng ít ra thì em cũng đã cho anh những năm tháng tuyệt vời. Em phải được đền bù chứ? Nếu anh không muốn ly dị để cưới em thì phải cho mẹ con em một cuộc sống như vợ con anh đang có”.

Tôi khủng bố Nam và cả gia đình anh bằng những chiêu trò như thế. Tôi biết chắc là anh sẽ không dám để mọi chuyện đổ bể vì anh còn có địa vị, có các mối quan hệ xã hội phải giữ gìn. Và trên hết, gia đình anh chắc chắn sẽ không vì sợ tốn kém mà để mất mặt.
Thế nhưng tôi đã chờ đợi không phải chỉ một, đôi ngày. Cả tháng nay, Nam không thèm đếm xỉa gì đến mẹ con tôi. Thậm chí tôi nhắn tin, gọi điện anh không trả lời; tôi đến công ty thì anh kêu bảo vệ đuổi tôi về. Cho đến cách nay 3 ngày, anh nhắn tin cho tôi: “Để cho anh yên nếu em muốn tốt đẹp”. Tôi thấy trong tin nhắn của Nam có vẻ như đe dọa nhưng tôi không nghĩ ra là anh sẽ làm gì? Và tôi cũng đã mất ăn, mất ngủ từ đó vì phải suy nghĩ tìm cách cách đối phó.

Thế đấy, làm người thứ ba có sung sướng gì đâu. Nhưng chẳng lẽ tôi lại chịu thua? Tôi cũng là một người phụ nữ. Con tôi cũng là con anh, tại sao chúng tôi phải chịu thiệt thòi chỉ vì tôi không phải là vợ trên giấy tờ của anh? Tôi nhất định phải đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Theo Thiên Thanh
NLĐ
[Trẫm xem tiếp...]


Có con, hôn nhân vẫn nồng nàn



Khoảng cách từ hai người đang yêu chuyển sang một cặp bố mẹ hạnh phúc tuy gần đấy mà lại khá xa. Đã có quá nhiều thay đổi từ khi son rỗi đến lúc có gia đình. Có thêm mấy nhóc xen vào giữa, bạn có cách nào để tình yêu hai người vẫn say đắm như xưa?

 
1. Đặt nhau vào vị trí hàng đầu
1. Đặt nhau vào vị trí hàng đầu

Nói đến chuyện xây dựng tình cảm lứa đôi khi hai người không chỉ đơn giản là vợ - chồng mà đã là bố - mẹ, câu hỏi đặt ra là nên ưu tiên ai trước: Vợ/chồng hay con? Charles J. Orlando, tác giả cuốn “The Problem with Women... is Men” (Tạm dịch: Vấn đề của đàn bà chính là... đàn ông) cho rằng, tất nhiên hãy chọn chồng/ vợ trước. Điều này không có nghĩa là bọn trẻ bị quan tâm ít đi, nhưng nó nhắc nhở bạn rằng hôn nhân là xương sống của tổ ấm và mọi thành viên trong gia đình đều phải nhìn thấy, cảm thấy sự hiện hữu của hôn nhân trong gia đình.

Hãy dành cho vợ/chồng mình sự ưu tiên từ khoảnh khắc bạn bước vào ngưỡng cửa, đặt lên má anh/cô ấy nụ hôn hay vòng tay ôm, để người bạn đời của bạn cảm thấy mình quan trọng, và chắc chắn bọn trẻ nhìn cảnh ấy cũng thấy chúng đang được bảo vệ dưới mái ấm an toàn.

2. Đừng dạy các ông bố phải chơi với con thế nào

Bố và mẹ có những vai trò rất khác nhau đối với cuộc sống của một đứa trẻ. Trong hầu hết các trường hợp, mẹ là người nuôi dưỡng, ép ăn, vuốt ve, hôn nựng, âu yếm, bố là người... chỉ để cho vui! Tức là người bạn cho phép bọn nhóc thả cửa ăn thức ăn nhanh hay mì gói lúc mẹ không có nhà, chơi với chúng những trò... mạo hiểm như đánh lộn, vật nhau.

Cho dù phương pháp của mẹ rõ ràng là siêu việt và an toàn, nhưng chẳng có cách nói “em tin và tôn trọng anh” nào với chồng tốt hơn là cứ để cho chồng chăm và yêu con theo cách của anh ấy.

3. Đơn giản là nói “vâng”

Nghiên cứu cho thấy tần suất bạn phản ứng tích cực với các yêu cầu của nửa kia có liên quan trực tiếp đến sự thỏa mãn và hạnh phúc của mối quan hệ vợ chồng. Hãy chú ý nói nhiều hơn nữa những câu kiểu như “vâng, có lý đấy, nói em nghe thêm xem nào” hay “anh bắt đầu thuyết phục được em rồi đấy”. Tìm kiếm các cơ hội bày tỏ sự đồng thuận với bạn đời theo nhiều cách khác nhau sẽ có tác dụng tốt cho hôn nhân của bạn.

4. Tỏ ra thống nhất

Hãy tỏ ra bạn là fan lớn của nửa kia. Khi bọn nhóc bắt đầu kịch bản: “Nhưng bố bảo con có thể ăn kẹo”, hãy cố gắng cưỡng lại mong muốn được “phản pháo”: “Còn mẹ thì bảo là con không được phép ăn”. Cần tỏ ra bạn với bố bọn trẻ là một thể thống nhất, vững mạnh đến nỗi một khi hai người hợp lại với nhau thì không gì lay chuyển nổi.

5. Cùng tập thể dục!

Luôn năng động sẽ giúp bạn khỏe hơn và làm gương tốt cho con cái. Chưa kể hoạt động ngoài trời còn thúc đẩy cơ thể sản sinh endorphins, khiến tinh thần luôn vui vẻ. Mà người vui vẻ thì chồng chẳng bao giờ chán được. Nếu bạn không có nhiều thời gian, hãy tranh thủ để cả nhà đạp xe 15 phút mỗi sáng hay đi bộ sau bữa tối để thắt chặt tình cảm gia đình.

[Trẫm xem tiếp...]


Tại anh, tại ả



Lấy nhau chục năm họ vẫn đi ở trọ, dù lương anh thuộc hàng đình đám ở công ty. Ai cũng có lý lẽ của mình để trách cứ người kia.

Chị chê anh mải chơi, hèn kém chẳng bằng ai, gần bốn mươi tuổi đầu vẫn nhếch nhác kéo lê vợ con trọ hết chỗ nọ đến chỗ kia. Đã thế còn không ghi nhận công sức chăm nuôi con nhỏ và lo lắng cho gia đình suốt những năm tháng qua của vợ.
 
Tại anh, tại ả

Anh không mở miệng trách móc chị “ăn bám”, cũng chẳng tỏ vẻ gì về việc biết ơn chị đã “hi sinh” cho gia đình. Ai hỏi gì về kinh tế, anh cũng trả lời là nuôi vợ con hết rồi còn đâu, thế là bố mẹ, họ hàng nhà anh cứ gần xa mát mẻ nhiếc móc: “May mày lấy được thằng cháu nhà tao, chả phải nghĩ ngợi gì về tiền bạc”. Chị ấm ức khổ tâm lắm mà chẳng thể làm gì.

Giờ dù ngấp nghé muốn quay trở lại với thị trường lao động thì chị mới bàng hoàng nhận ra mình đã quá cũ kỹ lỗi thời, lạc hậu không chỉ về hình thức. Tuổi thì đã quá toan về già, tiếng Anh bập bõm, vi tính mù tịt, làm lao động phổ thông có nổi không, có đáng không, hay là xấu mặt cả chàng và nàng, trong khi con cái lếch nhếch không ai đón đưa.

Con bé thì còn viện cớ, giờ chúng đã đi học cả chị mới thấy bất cập, lòng vòng không lối thoát, khi hàng tháng chồng đưa bao nhiêu chỉ biết bấy nhiêu, chẳng có tiếng nói và chồng có tiêu tiền vào việc gì chị cũng không hay biết.

Một lần qua sự việc vô cùng cần kíp, chị mới ngã ngửa ra rằng anh chẳng có nổi một đồng dằn ví. Bên cạnh đó tiền anh đưa chị bao nhiêu cũng hết, chị biện minh: “Toàn là nhu yếu phẩm và chi dùng cần thiết cho cả nhà, muốn hà tiện cũng khó lòng”.

Sự việc chưa kịp lắng xuống thì anh nhận được quyết định đi công tác nước ngoài một năm. Sang đó làm chuyên gia, được đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở và vẫn hưởng nguyên lương bên này. Suy đi tính lại mãi anh đành phải để thẻ ATM lại cho vợ chi tiêu, nuôi con, sau khi đã dặn dò cẩn thận. Chẳng nhẽ đi muối mặt nhờ phòng kế toán chiết trừ lại, thế là lương của anh bị lộ ra. Khỏi phải nói chị phấn khởi đến thế nào, chị khoe với khắp người thân là giờ đã có tí ti.

Và hệt như người vừa được tháo cũi sổ lồng, chị vung vít lên, nô nức mua sắm hết cái nọ đến cái kia, cho thỏa những năm tháng bị kìm kẹp trong chế độ bao cấp. Mãi đến vài tháng sau anh mới hay chuyện, khi bố anh bất ngờ vào viện, cần tiền thì tài khoản chỉ còn số dư tối thiểu.

Anh mắng vợ té tát là không biết lo toan, an tàn phá hại, chả trách anh không dám đưa hầu bao cho chị giữ. Chị cũng nóng mặt xa xả rủa anh lương cao như vậy suốt những năm qua anh bao con nào, sao không chịu dành dụm đi, giờ về chửi bới vợ con…

Kết cục của vụ tranh cãi là anh xin về nước trước thời hạn, chấp nhận bị phạt. Chị nhất quyết giữ lại cái thẻ ATM, anh cười khẩy càng coi thường vợ hơn, vì điều đơn giản đó mà chị cũng không hiểu biết, anh chỉ việc ra ngân hàng báo mất thẻ, đề nghị khóa ngay tài khoản và làm lại thẻ trong vòng một tuần là xong.
[Trẫm xem tiếp...]


Lãng mạn thời hôn nhân



Sinh nhật vợ, chồng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ. Tối, chồng bảo vợ ngồi lên xe, chở đến một shop quần áo. Sau một lúc ngắm nghía, chồng nháy mắt với vợ rồi chỉ vào chiếc váy hoa điệu đà mà vợ đã ao ước bấy lâu.

Quà sinh nhật của chồng bao nhiêu năm vẫn vậy: không bất ngờ, không cầu kỳ, không lời có cánh nào được “đính kèm”. Vậy mà, trong mắt vợ, chồng luôn là người lãng mạn.
 
Lãng mạn thời hôn nhân

Nhiều người ngần ngại hôn nhân vì mường tượng ra thời kỳ kinh khủng của hậu hôn nhân. Chồng luôn nhấn giọng: “Chẳng có lãng mạn cho vợ đằng sau tiếng con khóc, nợ đòi đâu!”. Đúng là không hoa hồng, không lời có cánh, không cà phê, xinê… Thời gian càng trôi, sự lãng mạn càng bị những gót chân bươn chải bỏ quên một cách vô tình. Nhưng bù lại, vẫn có những điều lãng mạn khác mà thời yêu nhau chưa bao giờ có được.

Như chuyện hôm sinh nhật. Cái váy đó vợ đã ngắm nghía mấy tháng trời nhưng không dám mua vì quá đắt. Tiền học cho thằng cu lớn, tiền sữa cho thằng cu nhỏ, tiền ăn, tiền điện… rồi bao nhiêu thứ phải chi trả cứ bủa vây, ngăn không cho vợ phung phí. Thẻ lương của chồng, vợ giữ. Những khoản chi tiêu bên ngoài chồng tự xoay xở với tiền thưởng hàng quý của công ty. Eo hẹp là thế mà chồng vẫn dành dụm để mua váy tặng vợ (lại biết đúng cửa hàng và cái váy vợ “nhắm”), đó chẳng phải là lãng mạn sao?

Điểm lại, sau mấy năm làm vợ chồng, những cái nắm tay của chúng mình thưa thớt hẳn. Những buổi hẹn hò, cà phê bị vợ đưa vào danh sách những “trò tiêu khiển” xa xỉ. Những tin nhắn nhớ thương lùi vào… thời xa vắng. Biết bao nhiêu thứ “có” bị biến thành “không” từ ngày mình trở thành vợ chồng. Nói vậy mà không phải vậy, vợ chồng vẫn có những giây phút lãng mạn tuyệt vời mà ngày xưa chưa bao giờ được hưởng. Như cái hồi biết vợ có thai, chồng nhảy lên sung sướng, ôm vợ xoay mấy vòng rồi hốt hoảng dừng lại vì sợ đứa con trong bụng… chóng mặt. Đêm nào chồng cũng nằm áp tai lên bụng vợ, thầm thì nói chuyện với con. Chồng còn xung phong làm việc nhà, thỉnh thoảng đi chợ và làm “đạo diễn” nhà bếp cho vợ được nghỉ ngơi. Hay đơn giản hơn, dù bận rộn đến mấy thì mỗi sáng chồng đều dắt xe ra khỏi cổng giúp vợ. Chồng bảo, làm thế để vợ có động lực thắt cà vạt mỗi sáng cho chồng.

Khi vợ bị cảm, chồng không cuống cuồng hỏi han như thời đang yêu nữa mà thay vào đó, chồng nhìn vợ một cách nghiêm khắc rồi “phán”: “Sao em chủ quan với sức khỏe của mình thế? Mưa mặc mưa, nắng mặc nắng, người chứ có phải sắt đá gì mà không đổ bệnh”. Rồi cứ để cho vợ khóc sụt sùi vì tủi thân, chồng xách xe ra khỏi nhà, trở về với mấy vỉ thuốc cảm trên tay. Có hôm, chồng một mình hì hụi xây lại góc nhỏ trước thềm nhà. Thấy chồng mồ hôi nhễ nhại, vợ chạy ra toan bưng gạch, dọn rác phụ thì bị la té tát. Vợ thoáng buồn, chẳng lẽ chia sẻ công việc với chồng là sai? Chồng không an ủi, không thừa nhận mình quá đáng mà chỉ buông một câu: “Việc này cứ để anh lo, lỡ anh ốm còn có người lo cho anh chứ. Không phải việc gì em giúp anh cũng thấy vui đâu”. Lãng mạn thời vợ chồng đúng là có khác.

Là vợ chồng, biết hết tật xấu của nhau rồi nên “cuốn cẩm nang” mang tên “tốt khoe, xấu che” gần như bị vứt vào sọt rác. Thế là, bao nhiêu cái xấu được phô ra một cách tự nhiên, đôi khi thái quá. Ấy vậy mà những tật xấu ấy lắm lúc mang lại tiếng cười rộn rã trong căn nhà nhỏ và được vợ thay cho cái tên mỹ miều là “lãng mạn kiểu… chồng”.

Không còn như thời son trẻ, vợ dễ dãi hơn với nhu cầu làm đẹp của bản thân. Có gì mặc đó, ra ngoài cũng khoác vội mấy thứ quần áo đơn giản cho thoải mái. Đôi lúc chồng nhăn mặt góp ý. Vốn biết tiếp thu, vợ lấy lại phong độ cái thời “điểm phấn thoa son”, dù dáng dấp đã không còn như thuở hoàng kim. Hôm vợ chồng rủ nhau đi ăn cưới đứa em họ, vợ xúng xính trong chiếc váy maxi màu kem mềm mại. Mới bước xuống nửa cầu thang đã thấy cả chồng lẫn con nhìn lên vẻ… phấn khởi. Không cần những lời khen ngợi ngọt như đường phèn thuở đang yêu, chỉ cần cái nhìn ấy thôi là đủ cho vợ ngất ngây hạnh phúc. Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Thời đang yêu, nào là “nếu có tiền anh sẽ đưa em lên mặt trăng”, nào là “mình sẽ sống trong một ngôi nhà hạnh phúc và có một đàn con nhỏ thật dễ thương”, hay sướt mướt hơn “sau này lấy nhau, mỗi sáng đi làm mình sẽ hôn nhau để chào tạm biệt và không quên nói lời yêu thương”… Đến khi thành đôi, mình cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác phải đối mặt với những vấn đề lớn như nuôi con, có nhà thành phố… Thực tế cuộc sống khiến vợ chồng mình lao vào làm việc cật lực. Lãng mạn của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là ánh mắt sung sướng nhìn nhau khi dành dụm đủ tiền mua cái tủ lạnh, cái máy giặt hay đơn giản chỉ là sắm được chiếc nôi cho con. Nhớ nhất là khoảnh khắc mình ôm chặt lấy nhau, nước mắt ràn rụa khi cầm trong tay sổ đỏ của một miếng đất nhỏ vùng ven.

Vợ gọi đó là lãng mạn của thời hôn nhân.

[Trẫm xem tiếp...]


Dâu mới thà không có còn hơn



Cách đây mấy tháng ông bà Phùng còn đứng ngồi không yên với cậu con trai duy nhất đã ngót nghét 38 mà vẫn chưa vợ con. Khi quý tử về thưa chuyện cưới xin, lại đòi rước dâu ngay trước Tết, vợ chồng già mừng như bắt được vàng.

 
Dâu mới thà không có còn hơn
Nhà có 3 người con, hai cô con gái đều đã theo chồng đi xa, năm hết Tết đến chỉ vỏn vẹn ông bà già với cậu trai út. Nhiều khi cậu lên cơ quan trực Tết, hai thân già cứ lủi thủi đi ra đi vào nhìn xuân về trên tuổi đời đã cằn cỗi. Tết này có dâu mới, cả nhà phấn khởi lên hẳn. Ông bà Phùng như trút được gánh nặng, gia đình sẽ xôm tụ, họ rồi sẽ có cháu nội. Nghĩ thế nên chẳng nề hà cảnh nhà cô dâu thiếu thốn, trước khi cưới bố mẹ chồng vui vẻ đầu tư một khoản lớn để xin việc làm ổn định, mua xe mới cho con dâu. Họ chỉ mong có được nàng dâu hiền hậu, việc nhà cũng chẳng mong cô động tay vì đã có người giúp việc và mẹ chồng quán xuyến. Nhưng hi vọng giản dị của ông bà già giờ đã quá xa xỉ.

Căn nhà vốn yên ấm có dâu mới về bỗng trở nên ồn ào, không ngày nào không có tiếng cãi vã phát ra từ phòng vợ chồng trẻ. Cái Tết đầu tiên có thêm thành viên tưởng sẽ rạo rực hạnh phúc lại hóa ảm đảm, buồn bã. Chẳng biết cô con dâu vì thấy nhà chồng hiền lành nên làm quá hay từ nhỏ đã mang “khí chất” sư tử Hà Đông. 7 giờ tối cơm nước xong anh chồng rủ đi chúc Tết họ hàng, cô bĩu môi bảo không thích thế là chồng hậm hực đi một mình. Đồng hồ điểm 9 giờ chưa thấy chồng về, cô khóa trái cửa phòng đi ngủ. Bà Phùng nửa đêm dậy uống nước thấy con trai nằm ngủ lạnh lẽo trên ghế sofa thì xót vô cùng. Sáng hôm sau bà nhỏ to khuyên nhủ con dâu, bảo đừng khắt khe giờ giấc quá, ai đời đuổi chồng ra khỏi phòng, đến mảnh chăn còn không mang cho nó. Nàng dâu ngang nhiên đáp “mẹ thương thì mẹ cứ việc mang chăn cho anh ấy”.

Lạnh nhạt với chồng đã đành, đối với bố mẹ chồng cô cũng không biết nể sợ. Mỗi lần vợ chồng xích mích hay gặp chuyện bực bội trên cơ quan, cô lại mang về nhà bộ mặt nặng như chì, không thèm chào hỏi chuyện trò, nhiều lúc còn bỏ ăn, bữa cơm gia đình bỗng nặng nề vô cùng. Ông bà Phùng đều là hưu trí, cả đời theo đạo Phật, gặp cô con dâu không biết ăn ở thì lòng buồn xo. Hai người gầy đi trông thấy, tâm trạng lúc nào cũng bất an.

Hôm rồi tổ chức họp gia đình, mời cả ông bà thông gia đến dự. Ông Phùng nghiêm nghị chỉ ra những điểm sai của các con để còn rút kinh nghiệm. Anh con trai điềm tĩnh vâng lời, hết xin lỗi lại đến động viên vợ thay đổi tính khí nhưng nàng dâu vùng vằng mãi, chuyện vãn chưa xong đã đùng đùng bỏ về phòng. Bố mẹ đẻ cũng chỉ biết lắc đầu xin lỗi nhà nội. Trước cảnh nhà rối rắm, hai thân già nhìn nhau trút tiếng thở dài. Họ nhớ về mái ấm yên bình trước đây, tuy không đông vui nhưng ít ra còn được thanh thản chuyện trò.

May
[Trẫm xem tiếp...]


Khoảnh khắc “ở dơ” của bé



Vì một lẽ nào đó, những em bé lem luốc nhiều khi trông còn ngọt ngào đáng yêu hơn cả bé được giữ gìn sạch sẽ, trắng thơm. Những tấm hình thiên thần nghịch bẩn sau có thể làm tan chảy trái tim mọi ông bố bà mẹ.

 
Mẹ có yêu không nè
Mẹ có yêu không nè


Con đã ăn hết suất!
Con đã ăn hết suất!


Đi chỗ khác chơi đi, mình còn đang bận lắm!
Đi chỗ khác chơi đi, mình còn đang bận lắm!


Bis bis, bao giờ món nước sốt mới ra?


Bis bis, bao giờ món nước sốt mới ra?
Bis bis, bao giờ món nước sốt mới ra?


Cuộc chiến bánh kem luôn làm mình hào hứng. Xung phong!
Cuộc chiến bánh kem luôn làm mình hào hứng. Xung phong!


Sơn mông cũng đẹp!

Sơn mông cũng đẹp!
Sơn mông cũng đẹp!


Rồi rồi, mình còn xinh hơn mẹ ấy!
Rồi rồi, mình còn xinh hơn mẹ ấy!


Cái mặt sao bí xị vầy nè...
Cái mặt sao bí xị vầy nè...


Anh không giàu nhưng anh rất đẹp trai...
Anh không giàu nhưng anh rất đẹp trai...
 

Ăn đến bao giờ cho hết đây...
Ăn đến bao giờ cho hết đây...
 
Huyền Anh
[Trẫm xem tiếp...]


“Lì đòn” với vợ... “siêu giận”



Nếu có ai hỏi “điều gì khủng khiếp nhất trong đời sống vợ chồng?”, anh sẽ không ngần ngại khẳng định ngay: “Vợ giận!”. Ba năm sống với em, anh thấm thía điều này vô cùng…

Chẳng hiểu sao em hay giận đến thế. Anh làm sai, em giận đã đành. Đằng này, nhiều khi anh làm đúng, em cũng giận. Chuyện lớn, em giận cả tuần, có khi cả tháng. Chuyện nhỏ như cái móng tay, em giận vài ngày.
“Lì đòn” với vợ... “siêu giận”

Điều làm anh bực bội nhất là nhiều khi em giận mà anh chẳng tài nào biết nguyên nhân. Lúc giận, em cắt đứt mọi giao tiếp với anh. Em lầm lì, mặt mày chù ụ, cả ngày không thèm mở miệng. Anh nói chuyện với em, cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để làm hòa. Nhưng bất chấp anh nói gì, em cứ trơ trơ. Mà không biết nguyên nhân thắt nút, thì làm sao anh có thể mở nút cho được. Vậy là nhiều khi anh bị em “tra tấn” bằng cái mặt lầm lì cả tháng mà chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao.
Nếu em giận mà chỉ làm mặt lạnh thì cũng không đến nỗi nào, anh còn có thể tìm cách “sống chung với lũ” được. Nhưng làm mặt lạnh chỉ là một trong vô số “chiêu thức” giận hờn của em…
Tuyệt chiêu em sử dụng thường xuyên và thành thạo nhất là tuyệt thực. Hễ giận, cứ đến bữa, em dọn cơm cho anh rồi lẳng lặng bỏ vào phòng mà nhịn. Xót ruột, anh đành phải xuống nước, năn nỉ, ỉ ôi đủ kiểu, nhưng thành công hay không thì “hên xui”. Kỷ lục tuyệt thực của em là hai ngày liên tiếp. Lần đó, mới cưới, còn “dại khờ” nên anh lo sốt vó…
Thường là tuyệt thực được vài bữa, nếu thấy không ăn thua (hoặc thấy đói bụng nhưng ngại anh), em hay giở tiếp chiêu thứ hai: bỏ về nhà mẹ. Em lôi cái va li to trên đầu tủ, nhồi quần áo - đồ đạc vào, gây tiếng động sao cho anh chú ý nhiều nhất, rồi ngẩng cao đầu, gọi taxi về nhà mẹ. Thế nào sang hôm sau, “nhạc mẫu” cũng gọi anh, khuyên nhủ lung tung theo kiểu “chén bát trong chạn còn khua”, rồi đề nghị anh qua đón em về.
Một chiêu nữa không kém phần thâm hậu là “cấm vận”. Anh quen rồi, em mà giận đồng nghĩa với việc anh phải chịu cảnh “ngăn sông cấm chợ”. Tối, anh vừa lò dò vào phòng thì em lạnh lùng phán: “Anh ra ngoài phòng khách ngủ. Em không thích nằm gần anh”. Phần tự ái, phần nghĩ nằm gần “cục nước đá” cũng chán, nên anh ra phòng khách.
Đến khi cu Bi ra đời, em có thêm chiêu mới vô cùng “độc”: không giữ con, không chăm sóc con. Từ ngày có cu Bi, em giận là bỏ mặc cu Bi. Con đói, con khóc, con gào… em cũng mặc, chỉ ngồi thu lu như tượng, anh nhìn mà điên tiết.
Càng sống với em lâu, anh càng khẳng định một điều: em giận anh chẳng phải vì anh làm lỗi, mà chỉ để chứng tỏ em có quyền uy với anh, được tận hưởng cái cảm giác “bề trên”. Em xem việc giận hờn như một cách để em thực thi quyền lực…
Còn anh, càng ngày càng chai, càng lì đòn trước những trò giận dỗi của em. Không nói chuyện, kệ em, càng đỡ mệt đầu. Nhịn ăn, kệ em, anh no là được rồi. “Cấm vận”, anh ra ngoài phòng khách ngủ, buồn thì đi nhậu, tăng hai tăng ba càng tốt. Em không giữ con, không sao! Anh đem về cho má anh giữ, sẵn anh ở luôn bên đó, có con Út nấu cơm cho anh ăn, sung sướng hơn ở nhà. Em cứ giận thoải mái, vợ nhé…
Theo Phụ nữ
[Trẫm xem tiếp...]


Đàn ông ngoại tình - bí mật chẳng bao giờ ra ánh sáng



Tôi kết hôn năm 29 tuổi và không trông chờ mình sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng sau 11 năm chung sống với vợ, tôi có thể nói chưa thấy cặp vợ chồng nào sống vui được như chúng tôi thế này.

Lý do trước đó tôi không tin mình có thể có hôn nhân hạnh phúc một phần vì cuộc sống của tôi gần như bất hạnh. Mẹ tôi bị bệnh tâm lý, lớn lên bên mẹ chỉ để lại trong tôi những sợ hãi, xấu hổ và lo lắng. Tôi vẫn nhớ có lần ở giữa một đám cưới của bà con, mẹ đánh tôi thậm tệ. Khi tay mẹ tát vào tai, vào mũi, vào mồm tôi, tôi có thể nhận biết được ánh mắt của tất cả mọi người đang dán vào hai mẹ con, và tôi bối rối thay cho bà, thương cả cái thân tôi!
Sinh trưởng trong một gia đình như thế dễ khiến người ta mất đi niềm hy vọng. Bạn sẽ không thể nghĩ có điều tốt đẹp nào lại đến được với mình. Tôi cầu hôn vợ chỉ vì nghĩ cô ấy muốn tôi làm thế. Lúc ấy tôi đi công tác, còn cô ấy nói muốn một chiếc nhẫn...
Vài năm sau khi đã kết hôn, vợ mới nói rằng tôi đã hiểu nhầm ý nàng. Thực ra là cái thành phố mà hồi ấy tôi đến nổi tiếng về trang sức ngọc trai, và nàng muốn có một chiếc nhẫn ngọc trai làm quà. Tôi lại tiếp nhận thông tin của nàng như một tối hậu thư, rồi tặc lưỡi “Ừ, thì cưới!”.
Đàn ông ngoại tình - bí mật chẳng bao giờ ra ánh sáng

Với một cuộc hôn nhân bắt đầu như thế, và với tính cách của tôi, chắc chắn việc chung sống sẽ có vấn đề. Vài năm đầu hôn nhân, tôi thường xuyên cảm thấy mình khác vợ. Có lần tôi còn bảo nàng: “Đôi khi anh nghĩ rằng anh không yêu em”. Lúc đó chúng tôi ngồi bên bàn ăn, nàng nhìn tôi qua gọng kính mắt, sau giây phút nàng bảo: “Em biết là anh có yêu”.
- “Làm sao mà em biết được?”, tôi vặn vẹo.
- “Em thấy ánh mắt anh sáng lên khi em bước vào phòng”. Chỉ đến khi nàng bảo thế, tôi mới biết tôi vẫn cười mỗi khi trông thấy nàng.
Trong khoảng thời gian này, có anh bạn của tôi thú nhận là đang ngoại tình với một cô đã đính hôn và kém tuổi. Tôi hỏi chính xác là họ làm tình ở đâu. Anh ấy bảo cô kia làm việc trong ngành khách sạn nên... có phòng.
Vài tuần sau đó, cứ lúc nào gặp Tom, tên anh bạn, là chúng tôi lại nói về cô gái kia. Tôi bắt đầu tự huyễn hoặc về cô gái đó, xây dựng hình ảnh cô ấy như một ngôi sao màn bạc. Tôi tìm kiếm trên mạng, cố lục một tấm ảnh của cô ấy. Càng tưởng tượng về người đàn bà này, tôi càng thấy vợ mình kém hấp dẫn. Vợ tôi có lông chân rất sáng, cô ấy thường chỉ cạo từ đầu gối xuống. Tự dưng tôi thấy bực mình, tại sao cô ấy không cạo tất tật lên đến cả đùi đi!
Một thời gian sau khi biết chuyện Tom ngoại tình tôi có gặp vợ cậu ấy, Lauren. Lauren có nước da nhợt nhạt tới nỗi trông cô ấy còn trắng bệch hơn sau khi trang điểm. Lauren, Tom, vợ tôi - Christine, và tôi cùng ngồi ăn trong nhà hàng. Suốt bữa ăn Lauren luôn tỏ ra không hài lòng, cô ấy càm ràm Tom cả chuyện anh ấy vào nhà tắm quá nhiều. Mặt Lauren lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu.
Lần đầu tiên, từ buổi ăn tối hôm đó, tôi nhìn vợ mình trong thứ ánh sáng khác, nom cô ấy như người lạ. Thấy thật may cô ấy không giống Lauren. Mỗi khi tôi làm gì khiến Christine buồn, cô ấy sẽ khóc, nhưng rồi ánh mắt cô ấy sẽ thay đổi. Cô ấy hiếm khi càm ràm tôi. Tôi nhận ra vợ mình cũng là người biết đau, biết mong muốn hạnh phúc. Và tôi biết hóa ra mình có yêu vợ.
Một trong những điều phụ nữ không nhận ra chính là hầu hết đàn ông đã kết hôn đều có “văn hóa ngoại tình”. Thật đấy, chúng tôi nhìn thấy chuyện ngoại tình xảy ra xung quanh mình, chúng tôi có cả đám bạn đang lừa dối vợ, chúng tôi đã đi qua những chuyến công tác trong đó bọn đàn ông rủ nhau đi bar, đi club xem nhảy thoát y, có thằng sau đó còn làm tí “tàu nhanh” hoặc hơn thế nữa. Tất cả chẳng bao giờ nói với vợ, tất nhiên, có những điều là bí mật giữa đàn ông với nhau không bao giờ bị đưa ra ánh sáng. Một phần đó là đặc điểm tính cách đàn ông hình thành từ khi còn bé: Không mách lẻo. Phần còn lại vì, nếu nói cho các bà vợ biết, ông nào ông nấy sẽ bị quản lý chặt hơn, trong khi ông nào cũng mang trong đầu ý nghĩ “chưa biết chừng ngày nào đó tôi cũng ngoại tình”. Kể hết “mánh” cho vợ thì tuyệt đường rồi còn gì nữa.
Song bạn có thể tin rằng chồng, cha, hay bạn trai của mình không suy nghĩ theo cách đó. Bởi nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những dự đoán mạnh mẽ nhất về việc đàn ông ngoại tình hay không ngoại tình nằm ở hai chữ “cơ hội”.
Một người đàn ông cho dù muốn duy trì lòng chung thủy, anh ta vẫn có thể bị ảnh hưởng khi những người xung quanh ngoại tình. Trong đầu anh ta, ngoại tình trở thành một trang bí mật của hôn nhân, một cuộc phiêu lưu, một cuộc sống anh ta chưa được sống. Khi có cãi cọ với vợ, viễn cảnh ngoại tình có thể đến trong đầu đàn ông. Khi đời sống phòng the với vợ gặp trục trặc, trong khi bản thân biết rõ còn ối người có quan hệ thể xác ngoài hôn nhân, thì đàn ông còn muốn “sổ lồng” hơn nữa. Cãi nhau với vợ, đàn ông hẳn nhiên là không vui, và thế là anh ta nghĩ đến một lựa chọn mà mình chưa bao giờ thử... Và họ đổ lỗi cho vợ, cô ấy là lý do khiến hai người cãi cọ, cũng là lý do ngăn cản họ trước giờ không thể... thử ngoại tình...
Cho nên giờ tôi sẽ nói, người đàn ông không ngoại tình không chỉ yêu vợ lắm, mà còn rất bản lĩnh. Bản lĩnh để chống lại những cám dỗ xung quanh, bản lĩnh để trở thành người khác biệt giữa vô số đàn ông ngoại tình, bản lĩnh để không yếu lòng mỗi khi trục trặc với vợ trong cuộc sống.
Huyền AnhTheo E
[Trẫm xem tiếp...]


 

Danh Mục

Total Pageviews

Phi lên đầu Bản quyền © 2012 | Đọc Để Cười| Nội dung bài viết từ nguồn khác